từng nghề. Kinh thành ở thế kỷ thứ XIII gồm có 61 khu, mỗi khu phân cho
một phường nghề.
Kỹ nghệ đóng thuyền phát triển, có thể đóng được những thuyền buồm
lớn có đến một trăm người chèo. Kinh thành Thăng Long trở thành trung
tâm thương mại lớn của cả nước trong khi ở nhiều vùng hình thành những
chợ. Một sứ thần Mông Cổ đến vào thế kỷ thứ XIII, kể lại rằng các chợ
nông thôn họp một tháng hai lần với ''đầy ắp hàng hóa'', và trên các đường
cái, cứ năm dặm lại thấy một cái chợ. Dọc các đường cái lớn, nhà chức
trách cho đặt những trạm để người đi đường có thể nghỉ chân.
Trao đổi phát triển giữa đồng bằng và miền núi, đồng bằng đổi muối, các
công cụ bằng sắt lấy lâm sản. Việc buôn bán với Trung Quốc được tiến
hành trên những địa điểm thương mại đặc biệt đặt ở các đồn biên phòng
hay các cảng biển. Người Trung Quốc đổi vải vóc lấy các hương liệu, ngà
voi, muối hay những khoáng sản khác. Việc buôn bán tơ lụa được Nhà
nước quy định một cách nghiêm khắc và nhà nước đôi khi cũng tiến hành
những hoạt động buôn bán. Các tầu thuyền Giava, Xiêm, cũng cập bên
cảng Vân Đồn để ăn hàng Việt Nam.
Năm 1280, vua Trần Nhân Tông qui định một đơn vị đo chiều dài thống
nhất để đo gỗ và vải vóc.
Vậy là kinh tế hàng hóa đã bắt đầu phát triển, tuy nhiên các thương nhân
không mấy được coi trọng, và nền ngoại thương vẫn bị Nhà nước kiểm soát
chặt chẽ.