những biệt thự của tư nhân, khách sạn du lịch, trụ sở công ty và ngân hàng
nước ngoài, những công sở, cùng với làn sóng ngày càng tăng của khách du
lịch nước ngoài, những Việt kiều đã di cư trở về thăm gia đình, cùng với
nguồn hàng hóa phong phú đủ loại, từ đủ mọi nguồn, trong nước và nước
ngoài. Cuối năm 1988, có thể nói rằng trên bình diện kinh tế, đất nước đã
tiến vào con đường mới không thể đảo ngược, mà Đại hội VI đã mở ra.
Việc rút quân khỏi Campuchia cuối 1989, chính sách kinh tế mở cửa
chấm dứt tình trạng cô lập với quốc tế, ghi thêm một điểm lạc quan vào bản
tổng kết này.
Liệu người ta có thể bằng lòng với một sự đổi mới các cấu trúc kinh tế
mà chẳng đụng chạm gì đến các lĩnh vực khác - chính trị, xã hội, văn hóa,
tư tưởng, không? Về lý thuyết, Đại hội VI đề xướng một sự đổi mới hoàn
toàn, đổi mới kinh tế phải tiến hành cùng với việc tổ chức lại toàn bộ những
cấu trúc và chính sách cơ bản trong các khu vực khác. Khái niệm pháp chế
được đề cao, và ở mỗi kỳ họp của Quốc hội, nhiều dư luận được đưa ra
thảo luận rồi được thông qua, mỗi khu vực của nền hành chính dân sự, tư
pháp, quản lý kinh tế, đều cố gắng xác định rõ ràng những phương thức thi
hành các đạo luật mới.
Theo đường lối của Đại hội VI, tháng 10 năm 1987, Tổng Bí thư mới
Nguyễn Văn Linh đã tìm cách xác định một chính sách mới về văn hóa.
Khoảng 100 nhà văn, nghệ sĩ được triệu tập vì mục đích này đã nhất trí yêu
cầu tự do hóa các cơ cấu và những cách làm vẫn còn hiện hành cho đến lúc
đó, và họ đã được người lãnh đạo cao nhất của Đảng đồng tình. Nhiều văn
nghệ sĩ bị lên án trước đây đã được khôi phục danh dự. Một thế hệ mới nhà
văn, nhà điện ảnh bắt tay viết những truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, thực hiện
nhiều bộ phim thấm đượm một tinh thần mới, mà không phải quá bận tâm
với những tiêu chuẩn bó buộc trước đó theo phương pháp "chủ nghĩa hiện
thực xã hội chủ nghĩa''. Những khái niệm cơ bản trong các khoa học nhân
văn - sử học, xã hội học, triết học - đều được xem xét lại, những điều khẳng
định mang tính giáo điều, cũng như những lời kết án không được quyền
tranh cãi không còn được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận nữa.