DƯƠNG QUẢNG HÀM
VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU
THIÊN THỨ NHẤT
VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN
Chương thứ nhất
Văn chương truyền khẩu
Văn chương truyền khẩu – Như chương dẫn đầu đã nói, ở nước ta, trước khi có
văn chương bác học, đã có một nền văn chương bình dân truyền khẩu.
Văn chương truyền khẩu ấy là tục ngữ và ca dao.
Vậy ta phải xét nền văn ấy trước.
1. Tục ngữ
Định nghĩa những chữ tục ngữ, ngạn ngữ, và phương ngôn.
- tục ngữ (tục: thói quen có đã lâu đời ngữ: lời noí) là những câu nói gọn ghẽ và
có ý nghĩa lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng người đời truyền đi. Tục ngữ
còn gọi là ngạn ngữ ngữ , vì chữ ngạn nghiã là lời nói của người xưa truyền lại.
Còn phương ngôn (phương; địa phương, vùng) là những câu tục ngữ chỉ thông
dụng trong một vùng chứ không lưu hành khắp trong nước.
Nguồn gốc của tục ngữ :- Xét về nguồn gốc, ta có thể chia tục ngữ ra làm hai
loại:
1) Những câu vốn là tục ngữ, tức là những câu nói thường, lúc ban đầu chắc
cũng do một người phát ra trước tiên, rồi vì ý nó xác đáng, lời nó gọn ghẽ,
người khác nghe đến nhớ ngay, sau cứ thế nhắc lại mà truyền tới bây giờ, đến
nay ta không biết tác giả là ai nữa. Những câu về loại này chiếm phần nhiều
nhất.
2) Những câu vốn là thơ ca mà sau biến thành tục ngữ. Những câu nguyên ở
trong một bài thơ hoặc một bài ca của một tác giả nào, nhưng vì ý đúng, lời hay,
nên người ta truyền tụng đi mà làm thành một câu tục ngữ.
Thí dụ: Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” vốn là một câu trong
tập Gia huấn ca của Nguyễn Trãi.
Hình thức của tục ngữ: -xét về hình thức, tục ngữ có thể chia ra làm hai loại.
1) Những câu không vần, có ít. Những câu này có hai cách đặt: