VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU - Trang 12

4) Những câu thuộc về thường thức. Những câu nầy:
a) Hoặc nói về thời tiết.
Thí dụ: Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, “Tháng bảy heo may, chuồn
chuồn bay thì bão”.
b) Hoặc nói về việc canh nông.
Thí dụ: “Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa”. “Lúa giỗ, ngả mạ; vàng rạ thì mạ
xuống đồng”.
c) Hoặc nói về thổ sản.
Thí dụ: Dưa La (1), cà Láng (2), nem Báng (3) , tương Bần (4), nước mắm Vạn
Vân (5), cá rô Đầm Sét (6).
d) Hoặc nói về lễ phép, thù ứng.
Thí dụ: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ăn miếng chả, trả miếng nem”, “Có
đi có lại, mới toại lòng nhau” v.v..
(1) La: tức là tổng La nội, phủ Hoài đức, tỉnh Hà Đông.
(2) Láng: tên nôm của làng Yên lãng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà đông.
(3) Báng có lẽ là làng Đình bảng, phủ Từ sơn, tỉnh Bắc ninh.
(4) Bần : tên nôm của làng Yên nhân, phủ Mỹ hào, tỉnh Hưng yên
(5) Vạn Vân (vạn: làng bọn thuyền chài), tức là tổng Vân hải huyện Hoành hồ,
tỉnh Quảng yên.
(6) Đầm sét: tên nôm của làng Diêm khê, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà đông.
Những câu nầy là do những điều kinh nghiệm của cổ nhân đã chung đúc lại, nhờ
đấy mà người dân vô học cũng có một cái tri thức thông thường để làm ăn và cư
xử ở đời.
Thành ngữ: Thành ngữ là những lời nói do nhiều tiếng ghép lại đã lập thành
sẵn, ta có thể mượn để diễn đạt một ý tưởng của ta khi nói chuyện hoặc viết văn.
Trong những câu người ta thường gọi là tục ngữ, có rất nhiều câu chỉ là thành
ngữ chứ không phải là tục ngữ thật.
Thí dụ: “dốt đặc cán mai”, “Nói toạc móng heo”, “Miệng hùm nọc rắn”, “Tiền
rừng bạc bể” .
Sự khác nhau của tục ngữ và thành ngữ là ở chỗ nầy: một câu tục ngữ tự nó phải
có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn, hoặc chỉ bảo điều gì ,còn như thành
ngữ chỉ là những lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn một ý gì hoặc một trạng
thái gì cho có màu mè.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.