DƯƠNG QUẢNG HÀM
VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU
THIÊN THỨ HAI
ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC TÀU
CHƯƠNG THỨ HAI
VĂN CHƯƠNG CỔ ĐIỂN
Những điều giản - yếu về các sách giáo khoa cũ để học chữ Nho
(Thứ nhất là cuốn Tam Tự kinh)
Như chương dẫn đầu đã nói, xưa kia, ở nước ta, chữ Nho là thứ chữ dùng trong
việc học việc thi.
Trước khi học đến Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Cổ văn, thì người học chữ Nho
phải học qua các sách giáo khoa thông thường để có được cái học lực kha khá
mà đọc các sách kia. Vậy ta phải xét các sách ấy, trước khi nói đến kinh, truyện.
Mục đích và phương pháp sự học chữ Nho. Trước hết ta nên nhận rằng mục
đích sự học chữ Nho của ta ngày xưa không những là học chữ Nho thông hiểu
văn tự, mà thứ nhất là học cương thường đại nghĩa. Ta đã có câu: “Tiên học lễ,
hậu học văn (Trước hẳn học lễ phép, sau mới học văn chương) đủ chứng rõ cái
khuynh hướng của sự học ấy.
Bởi cái mục đích chú trọng về luân lý ấy, nên cách dạy không vụ sự mẫn tiệp,
khiến cho người học chóng biết dùng chữ đặt câu, không theo những phương
pháp sư phạm như “do thiển nhập thâm”, nghĩa là dạy từ điều dễ đến điều khó.
Bất kỳ bài học nào cũng là bài học luân lý, mà dạy một câu là dạy một điều đạo
nghĩa, cương thường, nên không kể gì tuổi và trình độ của học trò mà có khi
đem những chữ rất khó, những nghĩa lý rất cao dạy ngay những trẻ mới vỡ lòng.
Như mấy câu đầu trong cuốn Tam tự kinh đã nói đến thiên tính người ta là một
vấn đề triết học rất cao mà hiện nay các nhà tư tưởng còn tranh luận chưa ngã
ngũ ra sao.
Chữ Nho vốn là thứ chữ “tượng hình” mỗi chữ là một hình vẽ có nhiêù nét mà
không hình nào giống hình nào: học thứ chữ ấy cho thuộc được mặt chữ để đọc
và viết đã cần nhiều trí nhớ lắm rồi. Lại thêm cách dạy của ta xưa không theo
thứ tự từ dễ đến khó, không dùng phép phân tích (phân: chia, tích: chẻ; chia tách
ra từng phần) để giúp cho sự hiểu biết của học trò. Nhất nhất cái gì cũng học