DƯƠNG QUẢNG HÀM
VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU
Chương dẫn đầu
Văn chương bình dân.
Ở nước ta, cũng như ở các nước khác, trước khi các nhà học thức viết những bài
văn theo khuôn phép hẳn hỏi, thì người bình dân trong nước đã biết đem tư
tưởng tính tình mà diễn thành những câu tục ngữ, những bài ca dao theo giọng
điệu tự nhiên.
Văn chương bình dân ấy tuy không theo phép tắc nhất định như văn chương bác
học , nhưng cũng có nhiều áng hay, đời đời do sự khẩu truyền mà lưu lại đến
nay, rất phong phú; lại biểu lộ tính tình phong tục của dân ta một cách chất phác,
chân thực; thật là một cái kho tài liệu quí hóa cho ta. Vậy ta phải xét trước tiên
nền văn chương bình dân ấy (chương thứ 1)
Ảnh hưởng của người Tàu
– Dân tộc ta, sau khi chiếm lĩnh đất Bắc kỳ và phía bắc Trung kỳ và tự tổ chức
thành xã hội – lúc ấy dân ta còn ở trong trình độ bán khai – thì bị nước Tàu
chinh phục và đô hộ trong hơn một nghìn năm (từ 207 tr,Tây lịch đến 939 s. TL)
Trong thời kỳ ấy, dân ta chịu ảnh hưởng của người Tàu về cả các phương diện:
chính trị, xã hội. luân lý, tôn giáo, phong tục. Riêng về đường văn học, dân ta
học chữ Nho, theo đạo Nho, thâu thập dần tư tưởng và học thuật của người Tàu.
Bởi thế ta phải xét đến cái ảnh hưởng ấy và những duyên do khiến cho văn học
Tàu truyền sang nước ta; đó là chủ địch các chương thứ II, III, IV, V và VI.
Các chế độ: phép hịch, phép thi – Các ảnh hưởng của người Tàu rất là sâu xa,
nên sau này tuy dân ta lấy lại được nền tự chủ về đường chánh trị mà về đường
tinh thần, thứ nhất là đường văn học, dân ta vẫn phụ thuộc vào nước Tàu.
Trong non một ngàn năm (từ năm 939 đến cuối thế kỷ thứ XIX) trải mấy triều
Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý Trần, Hậu Lê và Nguyễn, chữ Nho vẫn được coi làm
chữ của chánh phủ dùng: học hành, thi cử, luật lệ, dụ sắc, giấy tờ việc qua đều
dùng chữ nho; các sĩ phu trong nước vẫn học các kinh truyện, sử sách của Tàu,
đọc các thơ văn, tác phẩm của Tàu, rồi đến lúc ngâm vịnh, trứ thuật cũng viết
bằng chữ Nho. Bởi vậy ta phải xét các chế độ do các triều vua đặt ra để qui định
việc học, việc thi, và khuyến khích việc văn học trong nước thế nào; đó là chủ