DƯƠNG QUẢNG HÀM
VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU
THIÊN THỨ TƯ: CÁC THỂ VĂN
CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT
CHỮ NÔM
Dân tộc ta trước khi nội thuộc nước Tàu, có thứ chữ riêng để viết tiếng Nam hay
không; đó là một vấn đề, hiện nay vì không có di tích và thiếu tài liệu, không thể
giải quyết được. Duy có một điều chắc là khi các bậc học giả trong nước muốn
làm thơ văn bằng tiếng Nam, vì không có chữ Việt, phải đặt ra một thứ chữ để
viết tiếng: tức là chữ nôm là thứ chữ đã dùng để viết các tác phẩm bằng Việt văn
cho đến khi ta biết dùng chữ quốc ngữ. Vậy ta phải xét lịch sử và cách chế các
thứ chữ ấy thế nào.
Chữ nôm là gì? Chữ nôm là thứ chữ hoặc dùng nguyên hình chữ nho, hoặc lấy
hai ba chữ nho ghép lại, để viết tiếng Nam.
Chữ nôm có tự bao giờ?
A) Chữ nôm đặt ra tự bao giờ và do ai đặt ra, đó là một vấn đề chưa thể giải
quyết được. Nhiều người thấy sử chép: Hàn Thuyên là người bắt đầu biết làm
thơ phú bằng quốc âm, vội cho rằng chữ nôm cũng đặt ra từ đời ông, nghĩa là
vào cuối thế kỷ thứ XIII về đời nhà Trần. Đó là một sự sai lầm, vì Sử chỉ ghi
việc ông làm thơ phú bằng tiếng nôm, chứ không hề nói ông đã đặt ra chữ nôm,
hoặc chữ nôm đã đặt ra về đời ông. Đành rằng muốn viết văn nôn, tất phải dùng
đến chữ nôm; những biết đâu chữ ấy lại chả có từ trước đời Hàn Thuyên rồi ư?
Ta chỉ có thể vịn vào việc ấy mà nói rằng chữ nôm đến cuối thế kỷ XIII đã dùng
để viết văn nôm rồi.
B) Hiện nay, về gốc tích chữ nôm, chỉ có hai điều sau này là xác thực:
1) Theo Sử chép, cuối thế kỷ thứ VIII (794) Phùng Hưng là người nước ta nổi
lên đánh quan Đô hộ Tàu thua và giữ việc cai trị trong ít lâu; sau ông được dân
trong nước tôn là “Bố cái đại vương. Hai chữ Bố cái là tiếng Nam thuần tuý,
nếu đã đem hai tiếng ấy mà đặt danh hiệu cho một vị chúa tể trong nước, thì có
lẽ phải có chữ để viết hai tiếng ấy, mà chữ ấy tất là chữ nôm; vậy có lẽ chữ nôm
đã có từ cuối thế kỷ thứ VIII rồi.
2) Người ta đã tìm thấy ở Hộ thành sơn thuộc tỉnh Ninh bình một tấm bia đề