Vua an ủi và hòa giải, sau, sai quan ở Bắc thành cứ việc theo lẽ công
bằng mà xét hỏi. (Lê) Chất cùng với Hình Tào cùng tra xét muốn xử (Lê
Duy) Thanh vào tội chết. Án chưa kịp dâng lên thì tháng chạp năm ấy, lễ
bang giao (với nhà Thanh) đã xong, Vua trở về kinh, sai bộ Hình báo cho
các quan ở Bắc thành lấy hồ sơ vụ án (Lê Duy) Thanh giao về cho triều
thần nghị án. Sau, (Lê Duy) Thanh bị kết án phải chịu phát phối đi Quảng
Bình. (Lê) Chất nghe tin ấy, muốn dâng lời tấu để xin xét lại, nhưng lại sợ
làm việc vượt chức phận của mình nên thôi”.
… “Năm Minh Mạng thứ năm (tức năm 1824 – NKT), con của (Lê) Chất
là (Lê) Hậu được tuyển chọn cho làm chồng của Trưởng Công chúa (tức
Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Cửu, con gái thứ tám của vua Gia Long –
NKT). Năm ấy, (Lê) Chất cùng với (Lê Văn) Duyệt dâng biểu xin từ chức
Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành. Vua nói: -Hai thành ấy là chốn
trọng địa của phía Nam và phía Bắc, trẫm đang tin cậy mà ủy thác cho các
khanh, sao các khanh lại có thể nói ra những lời ấy?
Hai người quỳ khóc mãi không thôi. Vua hỏi nguyên do (xin từ chức)
đến hai ba lần, (Lê) Chất mới tâu: -Bệ hạ sai tôi vào chỗ chết, tôi cũng
không dám từ chối, nhưng việc giữ chức (Tống trấn) ở thành thì thật là tôi
không thể đảm nhận được.
Vua hỏi: -Việc gì mà khó đến thế?
(Lê) Chất tâu: -Chẳng có gì khó cả. Tôi làm được hay không làm được
đều là do ở bệ hạ cả mà thôi.
Vua nói: -Thế nghĩa là thế nào?
(Lê) Chất tâu: -Trước đây có vụ án Lê Duy Thanh, tôi cùng với Hình Tào
xử hắn vào tội chết, nhưng khi triều thần nghị án thì (Lê Duy) Thanh được
giảm tội, thế là phép nước chẳng còn tin dân nữa. Tôi không thể làm việc
được ở Bắc thành nữa cũng vì lẽ ấy.
Vua nói: -Đó là ý chung của đình thần, không phải ý riêng của trẫm.
Nói rồi, sai đem bản án (Lê Duy) Thanh trao cho (Lê) Chất xử lại. (Lê)
Chất biết ý Vua giận nên không dám nói thêm gì nữa. Rốt cuộc, (Lê Duy)