bạo, thẳng thắn. Với những người chầu hầu tả hữu, kẻ nào gian tà thì đuổi
đi, kẻ nào nịnh hót thì giáng bỏ đi, mọi vật quý của lạ và những trò vui
chơi, quyết không cho dâng lên trước mặt. Được như thế thì lúc động cũng
như lúc tĩnh, lúc cất nhắc công việc cũng như khi vô sự yên bình, chẳng
chút mảy may tình riêng nào có thể chen lấn vào được. Khi ham muốn
riêng tư đã sạch thì lẽ trời sẽ tỏ, tâm như cõi hư không thì lòng trời cũng
hiểu thấu, ắt sẽ sẵn giúp cho đến thành công. Bấy giờ, đem áp dụng vào
việc cai trị thiên hạ thì thật chẳng có gì là khó cả. Nhược bằng không làm
như vậy thì Kinh Diên chẳng qua chỉ là nơi bàn luận thơ văn, mà xét về
ngọn nguồn, bọn thần chưa dám cho việc này là có ích”.
Lời bàn
Người xưa nói rằng tiến vi quan, thối vi sư, nghĩa là tiến tới thì làm quan,
lùi lại thì làm thầy. Nhưng cũng thuở xưa, có không ít người chẳng dám nói
như vậy, ấy là các bác giảng quan tại tòa Kinh Diên, bởi vì họ, làm thầy và
làm quan cũng chính là một đó thôi.
Xét lí lịch cuộc đời, xét cả tài lẫn đức, Nguyễn Tư Giản rất xứng là quan
ở tòa Kinh Diên, nghĩa là rất xứng với vị thế của người thầy, vậy thì những
gì xảy ra ở tòa Kinh Diên, ông hoàn toàn là người vô tội. Với không ít
người, sự học chẳng qua là sự nên hay sự cần, còn đối với vua, sự học luôn
luôn là sự buộc phải. Một khi xã tắc nằm trong tay kẻ ít học, đại họa là điều
không thể không xảy ra. Từ góc độ đó mà nhìn nhận, thì lời của Nguyễn Tư
Giản thật là lời nặng lòng với xã tắc vậy. Kính thay!