táng bên cạnh mộ cha rồi làm nhà ở đó canh mộ đến ba năm, củi nước đều
tự tìm lấy mà dùng, vất vả lại thêm xót thương quá mà lâm bệnh. Người
làng thấy thương mà đưa ông về. Năm ấy ông 38 tuổi. Năm Tự Đức thứ
mười hai (tức năm Kỉ Mùi, 1859 – NKT), Nhà vua biết, khen là con có
hiếu, ban cho tấm biển vàng và tiền lụa để thưởng”.
Lời bàn
Vì một mục đích tốt đẹp nào đó, nói dối đôi khi cũng là cần, thậm chí là
rất cần nữa. Như người mẹ của Tô Thế Mỹ, giá thử lúc nào cũng được nghe
chính xác về giá cả của thức ăn hàng ngày, chắc chắn bữa cơm nhà ông lúc
nào cũng buồn tẻ mà thôi. Nhai nuốt lương thực và thực phẩm chưa phải là
ăn, bữa ăn của mọi gia đình còn có một thứ quan trọng hơn cả lương thực
và thực phẩm nữa, đó là không khí vui vẻ và thương yêu đằm thắm.
Làm nhà canh mộ cho cha mẹ, đó là tục xưa. Thời ấy, tục ấy và làm đúng
theo tục như Tô Thế Mỹ là chí phải. Tân thời mà nệ cổ là có lỗi, nhưng tân
thời mà không chấp nhận việc cổ nhân xử theo tục cổ, hẳn nhiên cũng có
lỗi. Bởi nghĩ vậy hậu sinh dùng bút khoanh tay thi lễ, thưa rằng: Kính thay,
hạnh nghĩa Tô Thế Mỹ!