“(Triệu) Đà đem quân đến đánh Nhà vua. Vua không biết là lẫy nỏ đã
mất, cho nên, cứ vừa ngồi đánh cờ, vừa cười mà nói rằng: -(Triệu) Đà
không sợ nỏ thần của ta hay sao?
Khi quân của Triệu Đà tiến sát đến nơi. Nhà vua mới giương nỏ bắn
và bấy giờ mới hay là lẫy nỏ đã gẫy rồi. Nhà vua thua chạy, cho Mỵ
Châu cùng ngồi chung ngựa mà đi mãi về phía Nam. Trọng Thủy cứ
theo dấu lông ngỗng đuổi theo. Nhà vua chạy đến biển, hết đường mà
thuyền chẳng có, liền cất tiếng gọi thần Kim Quy: -Hãy mau đến cứu
ta!
Thần Kim Quy nổi lên mặt nước, mắng rằng: -Kẻ ngồi sau ngựa là
giặc đấy, sao không giết ngay đi!
Nhà vua rút gươm chém Mỵ Châu. Mỵ Châu liền khấn vái rằng: -Ta
trọn tiết trung tín, chẳng dè bị người đánh lừa, vậy, sau khi chết, xin
được hóa thành ngọc châu để rửa mối nhục này.
Nhà vua chém Mỵ Châu, máu chảy loang khắp mặt nước, loài trai
dưới biển nuốt vào bụng, máu ấy hóa thành hạt minh châu. Nhà vua
cầm sừng tê văn dài bảy tấc mà đi xuống biển, đại để cũng như nói
cầm sừng tê đi xuống nước. Tục truyền rằng, núi Dạ Sơn, xã Cao Xá ở
Diễn Châu (nay thuộc tỉnh Nghệ An – NKT) chính là nơi Nhà vua giết
My Châu rồi đi xuống biển.
Trọng Thủy đuổi đến nơi, thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc hồi lâu
rồi đem xác về chôn ở Loa Thành. Trọng Thủy nhớ tiếc Mỵ Châu, trở
lại nơi Mỵ Châu trước kia thường hay trang điểm rồi nhảy xuống
giếng mà chết. Người đời sau hễ được hạt minh châu ở ngoài biển
Đông, nếu đem đến lấy nước giếng ấy mà rửa, thì sắc ngọc sẽ sáng
hơn”.
Lời bàn
Trong mọi lỗi lầm, nhẹ dạ cả tin là lỗi lầm cần được tha thứ hơn cả. Bạn
có quyền trách An Dương Vương, trách Mỵ Châu, rằng sao mà nỡ nhẹ dạ
cả tin đến thế. Nhưng bạn hỡi, nếu một nhà mà cha chẳng tin con, vợ chẳng
tin chồng, tất cả sẽ rẻ rúng làm sao!