lại bị Hồ Quý Ly khép vào tội kết bè kết cánh mà giết đi. Nguyễn Bát Sách
thì hoảng sợ mà bỏ trốn, Hồ Quý Ly không thèm đuổi mà cho người bắt
giam mẹ của ông. Vì thương mẹ già bị tù tội mà Nguyễn Bát Sách phải ra
hàng, rốt cuộc cũng bị Hồ Quý Ly giết nốt.
Sau khi Trần Phế Đế cùng những người thuộc vây cánh của nhà vua bị
giết, Hồ Quý Ly còn cho cả Thượng hoàng Trần Nghệ Tông lẫn triều đình
mắc lỡm. Trong hoàng tộc lúc ấy, chỉ có Trang Định Đại vương Trần Ngạc
(con của Thượng hoàng Nghệ Tông) là người tỏ vẻ căm ghét Hồ Quý Ly ra
mặt. Trước đó, chính Trang Định Đại vương đã mật bàn với nhà vua về
việc giết Hồ Quý Ly, nhưng Hồ Quý Ly không bị giết, ngược lại nhà vua bị
Thượng hoàng giết chết. Đã bày mưu sát hại nhà vua là cháu nội của
Thượng hoàng, nay nếu lại bày mưu giết ngay Trang Định Đại vương là
con của Thượng hoàng nữa, Hồ Quý Ly sẽ khó mà tiếp tục lợi dụng được
Thượng hoàng. Nghĩ vậy, Hồ Quý Ly bèn cho người nói phao lên rằng,
Trang Định Đại vương Trần Ngạc sắp được đưa lên ngôi vua. Thấy phe
đảng chẳng còn ai, Trang Định Đại vương Trần Ngạc sợ hãi mà vội đính
chính tin đồn đó. Hồ Quý Ly chỉ chờ có vậy để đưa con út của Thượng
hoàng Nghệ Tông (cũng là con rể của Hồ Quý Ly) lên ngôi vua, đó là vua
Trần Thuận Tông (1388-1398). Trang Định Đại vương Trần Ngạc chỉ được
tạm yên thân một thời gian ngắn. Đến tháng 6 năm Tân Mùi (1391) ông
cũng bị Hồ Quý Ly lập mưu giết chết.
Lời bàn
Trần Nghệ Tông danh nghĩa là Thượng hoàng nhưng thực ra chỉ là con
cờ trong tay Hồ Quý Ly vậy. Các bậc tôn thất đại thần và văn quan võ
tướng nhà Trần căm ghét Hồ Quý Ly thì có thừa mà sao chẳng có lấy được
một chút cơ mưu nào đáng kể, khiến Hồ Quý Ly có thể giết hại dễ như trở
bàn tay. Cất cái ghế tựa sơn đen ở đài sảnh của Hồ Quý Ly thì có khác gì tự
mình đưa đầu cho Hồ Quý Ly chém?
Than ôi! thời loạn mọi sự đều loạn. Lấy lễ thường để xét đoán thời loạn
là không thể được vậy. Hồi chuông cáo chung của nhà Trần bắt đầu điểm
những tiếng đầu tiên.