Xong, sư Già La Đồ Lê và Man Nương từ giã nhau đi. Sư Già La Đồ Lê
cho Man Nương một chiếc gậy và nói: -Cho nàng vật này, khi trở về, nếu
thấy thời tiết đại hạn thì nàng hãy lấy gậy này đâm xuống đất, đất sẽ cho
nước cứu dân sinh.
Man Nương cung kính nhận lấy gậy mang về. Nàng trở lại ở chùa cũ.
Mỗi khi có hạn hán, nàng thường lấy gậy đâm xuống đất, mạch nước tự
nhiên chảy ra, dân được nhờ cậy rất nhiều.
Khi Man Nương đã ngoài 80 tuổi thì cái cây (nơi Già La Đồ Lê để đứa
con vào) cũng tự nhiên bị đổ xuống bến sông trước chùa, nhưng cứ quanh
quẩn ở đấy, không chịu trôi đi. Dân tranh nhau đến chặt làm củi, nhưng hễ
chặt là rìu búa đều sứt mẻ hết. Họ rủ nhau hơn ba trăm người cùng kéo cây
vào mà vẫn không sao lay chuyển. Bấy giờ, Man Nương xuống bến nước
rửa tay, thử lay động chơi, thì bỗng dưng cây lại di chuyển. Mọi người đều
kinh ngạc, nhân đó, nhờ Man Nương kéo cây lên bờ. Sư sãi cùng Man
Nương gọi thợ đến chặt cây để tạc bốn pho tượng Phật. Chặt đến đoạn thứ
ba, đoạn đặt đứa con gái lúc này đã hoá thành một tảng đá rất rắn, thì tất cả
rìu búa của thợ đều mẻ hết. Họ đem vất tảng đá xuống vực sâu, thì tảng đá
bỗng tự phát ra những tia sáng rực rỡ, một lúc sau mới chịu chìm. Lúc đó,
cả bọn thợ đều lăn ra chết. Dân ở đấy vội mời Man Nương đến khấn vái rồi
nhờ dân chài lặn xuống nước vớt tảng đá lên, rước vào mạ vàng, đặt ở điện
thờ Phật để thờ. Sư Già La Đồ Lê đặt tên cho bốn pho tượng là Pháp Vân,
Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Người bốn phương tới cầu mưa, không
lần nào lại không ứng nghiệm. Người ta gọi Man Nương là Phật Mẫu. Đến
ngày mồng tám tháng tư, Man Nương tự nhiên mà viên tịch; xá lị được gói
lại và chôn trong chùa. Dân lấy ngày đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm
cứ tới ngày đó, già trẻ gái trai khắp tứ xứ đều tụ tập về đó để vui chơi, diễn
đủ các trò vui hát múa, mãi mà thành tục lệ nay vẫn còn, gọi là hội tắm
Phật”.