17. Triệu Việt Vương đã đánh giặc như thế nào?
Triệu việt vương húy là Triệu Quang Phục, con của Triệu Túc, người đất
Chu Diên. Đất Chu Diên thời Lương, nay là một phần của tỉnh Hải Dương.
Nhiều người cho rằng, quê của Triệu Quang Phục, nay có lẽ là vùng huyện
Phả Lại (tỉnh Hải Dương). Năm 542, Triệu Quang Phục cùng với cha là
Triệu Túc tham gia cuộc khởi nghĩa do Lý Bí phát động và lãnh đạo. Năm
544,khi Lý Bí lên ngôi, xưng là Lý Nam Đế thì Triệu Túc được phong làm
Thái Phó, còn Triệu Quang Phục được phong làm tướng cầm quân. Năm
546, khi Lý Nam Đế đại bại ở trận Điển Triệt, Triệu Quang Phục được ủy
thác quyền trông coi việc nước và chỉ huy việc đánh quân xâm lược nhà
Lương.
Triệu Quang Phục là người cầm quân rất linh hoạt. Chính ông là người
đã có công quét sạch quân xâm lược nhà Lương ra khỏi bờ cõi, góp phần
làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường và làm phong phú kho tàng nghệ
thuật quân sự của tổ tiên. Về cuộc chiến đấu của Triệu Quang Phục, sách
Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, tờ 17a-b) chép như sau:
‘Triệu Quang Phục chống nhau với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại,
nhưng quân của Trần Bá Tiên rất đông, Triệu Quang phục liệu thế không
chống nổi, bèn rút về đầm Dạ Trạch (đầm này cũng gọi là đầm Nhất Dạ
Trạch hay bãi Mạn Trù, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên –
NKT – Xem giai thoại 16). Đầm này Ở huyện Chu Diên, chu vi rộng lớn
không biết bao nhiêu là dặm, trong cỏ cây um tùm, bụi rậm kín mít. Ở giữa
đầm có khu đất cao có thể ở được, nhưng bùn đất lầy lội, người ngựa khó đi
chỉ có thể dùng thuyền độc mộc loại nhỏ, chống sào lướt cỏ mới di chuyển
được. Vào đó, nếu không thông thuộc đường lối thì lạc, chẳng biết sẽ về
đâu, đã thế, nếu lỡ rơi xuống nước thì sẽ bị rắn độc cắn chết. Triệu Quang
Phục thuộc hết mọi lối, đem hơn hai vạn quân vào đóng ở khu đất nổi trong
đầm, ban ngày thì tuyệt đối không để lộ khói lửa, ban đêm dùng thuyền độc
mộc đưa quân ra đánh phá doanh trại của quân Trần Bá Tiên, giết và bắt
sống được rất nhiều tên, lấy được không ít lương thực để có thể cầm cự lâu
dài.