18. Triệu Việt Vương đã chết như thế nào?
Năm 546, sau trận thua ở hồ Điển Triệt, Lý Bí đánh vào động Khuất Lão,
ủy quyền trông coi việc nước và chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân nhà
Lương xâm lược cho Triệu Quang Phục. Nhận sự ủy thác ấy, Triệu Quang
Phục đem lực lượng về bám đầm Dạ Trạch, tổ chức chiến đấu lâu dài và
cuối cùng, đã giành được thắng lợi.
Tuy nhiên, cũng ngay khi Lý Bí lánh vào động Khuất Lão, một vị tướng
khác của Lý Bí là Lý Thiên Bảo, đem một bộ phận binh sĩ, gồm đến ba vạn
người, chạy vào Cửu Chân (tức là vùng Thanh Hóa ngày nay). Tại đây,
Trần Bá Tiên đuổi theo đánh, Lý Thiên Bảo đã chạy sang động Dã Năng.
Đất này thuộc lãnh thổ của Lào. Dã Năng là một vùng khá trù phú, Lý
Thiên Bảo bèn cho xây thành để ở, tính kế cư ngụ lâu dài. ông xưng là Đào
Lang Vương, lấy tên động Dã Năng làm tên nước!
Năm 555, Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo qua đời, không có con nối
dõi, một vị tướng khác, người cùng họ với Lý Bí là Lý Phật Tử được đưa
lên nối nghiệp. Bấy giờ, Triệu Quang Phục đã đánh đuổi được quân nhà
Lương và xưng là Triệu Việt Vương, đóng trong thành Long Biên.
Năm 557, Lý Phật Tử liền đem quân đánh… Triệu Việt Vương. Sự kiện
đau xót này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, từ tờ 19-b
đến tờ 21-b) chép lại như sau:
“Lý Phật Tử đem quân xuống vùng Đông Bắc, đánh nhau với Nhà vua
(chỉ Triệu Việt Vương) tại Thái Bình, năm trận liền vẫn chưa phân thắng
bại. Quân của Lý Phật Tử hơi nao núng, ngờ là Nhà vua có phép thuật lạ,
bèn xin giảng hòa, thề thân thiện với nhau. Nhà vua nghĩ rằng, (Lý) Phật
Tử là người cùng họ với Lý Nam Đế, cho nên, không nỡ cự tuyệt, bàn lấy
bãi Quân Thần ở hai xã Thượng Cát và Hạ Cát của huyện Từ Liêm (ngoại
thành Hà Nội) làm địa giới. Từ đó trở về phía Tây thì nhường cho Lý Phật
Tử. Lý Phật Tử dời về đóng tại thành Ô Diên (xã Hạ Mỗ, Từ Liêm có đền
thờ Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy).