hai chữ Sùng Nghĩa nữa. Đến nay, sự linh thiêng vẫn được sùng phụng như
xưa”.
Lời bàn
Một nhà, anh em, cha con cùng dốc chí dựng nền tự chủ nhưng rốt cuộc,
người có tên tuổi bất diệt với ngàn đời thì chỉ là Bố Cái Đại Vương Phùng
Hưng mà thôi. Phùng Hãi có gan đi theo kẻ mạnh để chống kẻ mạnh mà
chưa có gan tự mình chống lại kẻ mạnh. Bóng ông mờ nhạt trong sử sách,
ấy cũng là lẽ tự nhiên.
Bồ Phá Cần xử sự quả là xa lạ với lẽ thường. Gạt Phùng Hãi đã có chút
từng trải để đưa Phùng An còn non nớt lên thay, bản tâm của Bồ Phá Cần
phải chăng là mong mỏi kẻ ở ngôi cao phải yếu kém để mình dễ bề thao
túng? Việc làm ấy, nếp nghĩ ấy, lợi cho riêng mình một đời nhưng lại hại
cho xã tắc một thuở, giận thay!
Phùng An cùng Bồ Phá Cần đi đánh Phùng Hãi, cái thu được chẳng đủ
bù cho cái mất đi, mà cái mất đi nào phải chỉ có con người và của cải? Xót
xa hơn cả vẫn là thế nước mà cha đã dựng lên, là đạo lý mà tổ tiên để lại,
mất hai thứ đó cũng có nghĩa là mất tất cả đó thôi.
Hẳn nhiên, không ai quyết rằng Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng là nhờ
oai linh của Bố Cái Đại Vương giúp sức, nhưng, Ngô Quyền cũng như bao
vị dũng tướng ngàn xưa ra trận, vẫn luôn tin rằng thần linh sông núi luôn
luôn sát cánh với mình, và ai dám bảo rằng, niềm tin ấy không phải là một
phần rất quan trọng của sức mạnh?
Phùng Hưng, sinh vi tướng, tử vi thần, dẫu bạn hoàn toàn là người vô
thần,cũng xin bạn hãy thành kính thắp nén hương để tưởng nhớ, bởi vì
chính nhờ có những con người phi thường ấy, chính nhờ niềm tin vào linh
khí của những con người ấy, bạn mới có thể thanh thản mà nói một cách tự
nhiên rằng: ta là người vô thần.