43. Nhờ tài văn chương, Nguyễn Hữu Dật được thoát nạn
Nguyễn Hữu Dật là con của Nguyễn Luật Văn, người làng Gia Miêu
ngoại trang. Nguyễn Triều Văn là bề tôi thân tín của chúa Nguyễn Hoàng
và chúa Nguyễn Phúc Nguyên, bởi lẽ đó, ngay từ lúc mới 15 tuổi, Nguyễn
Hữu Dật đã được bổ làm Văn chức trong phủ chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Năm 16 tuổi (1623), vì nói lời can trái ý chúa, Nguyễn Hữu Dật bị bãi chức
ba năm. Từ tháng 6 năm 1626, Nguyễn Hữu Dật được phục chức và được
Chúa ngày một tin dùng. Ông làm quan trải thờ ba đời chúa là Nguyễn
Phúc Nguyên (1613-1635), Nguyễn Phúc La (1635-1648) và Nguyễn Phúc
Tần (1648-1687). Các con ông là Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Cảnh
cũng là những bậc danh tướng của thế kỉ XVII – XVIII.
Dưới thời trị vì của chúa Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Hữu Dật có lúc
được cử làm Kí lục
châu Bố Chính (vùng này nay thuộc Quảng Bình) và
cũng chính thời gian này, Nguyễn Hữu Dật bị vu oan và bị tống giam vào
ngục. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 4) chép sự việc này như
sau:
“Canh Dần, năm thứ hai (tức năm 1650 – ND), mùa tháng 2, quan giữ
chức Kí lục châu Bố Chính là Nguyễn Hữu Dật từng sai tướng sĩ giả làm áo
mũ của quân sĩ Bắc Hà (tức của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài – ND), định mưu
làm cho quân sĩ của chúa Trịnh bị rối loạn. (Nguyễn Hữu Dật) lại giả làm
thư xin đầu hàng quân Trịnh, ước hẹn sẽ làm nội ứng cho quân Trịnh (khi
quân Trịnh đánh vào). Bấy giờ, quan Tham tướng là Tôn Thất Tráng vì có
hiềm khích riêng với Nguyễn Hữu Dật, bèn nhân đó gièm pha (với chúa
Nguyễn Phúc Tần) rằng: -Hữu Dật đang toan tính mưu theo về với Bắc Hà.
Chúa nghe vậy, liền sai bắt trói Nguyễn Hữu Dật tống giam vào ngục.
(Nguyễn) Hữu Dật bèn dựa theo cốt chuyện của tập Anh liệt chí đời Minh
(Trung Quốc – ND) mà làm thành tập Hoa vân cáo thị để bày tỏ cái chí của
mình. Làm xong, (ông) nhờ người cai ngục dâng lên (Chúa). Chúa xem
(hiểu ý) mà tha cho, bổ ông làm Văn chức ở Chính Dinh
, và vẫn ưu đãi
như trước”.