Quan Thiêm Đô ngự sử là Đoàn Nguyễn Thục nói: -Bọn (Phạm) Huy Cơ
mưu làm chuyện phản nghịch nhưng may mà kế ấy bị lộ, nay, triều đình trị
tội, làm cho mưu gian của chúng phải tan, khiến cho thân chúng phải thọ
hình, ấy là đại phúc của xã tắc. Nhưng, (Dương) Trọng Khiêm bị truất chức
đã lâu, nếu hắn biết đóng cửa để tu thân, không giao du với đám tân khách,
thì thử hỏi việc dữ này làm sao có thể đến với hắn được? Hắn dám quan hệ
với kẻ còn bị giam cầm là (Phạm) Huy Cơ, dám ra vào chỗ ở của Trịnh Đệ
là nơi đáng ngờ đã từ lâu, quanh quẩn mãi với hai tên này, giúp mưu cho
(Phạm) Huy Cơ, xúi cho Trịnh Đệ lao sâu vào tội ác, sau chót mới đi tố cáo
để lập công cho riêng mình, nếu nghiêm xét lũ cùng mưu thì rõ là (Dương)
Trọng Khiêm cùng phạm tội giúp đỡ bọn phản nghịch. (Nguyễn) Huy Bá
kể cũng là người hào hiệp, vừa dự vào việc này đã tố giác ngay, vậy thì
thưởng công cho (Nguyễn) Huy Bá là hợp lẽ. Còn như (Dương) Trọng
Khiêm từng là kẻ phạm tội bị truất chức, thế mà vẫn cứ ham giàu sang
trước mắt, coi Trịnh Đệ như món hàng quý để buôn bán, coi (Phạm) Huy
Cơ như món đồ có thể cầm để đánh bạc, khiến cho mưu phản nghịch chóng
thành để hòng vớ lấy một chức quan, chủ ý của (Dương) Trọng Khiêm quả
là nham hiểm. Nếu lấy công đắp đổi cho tội, thì (Dương) Trọng Khiêm
không đáng được thưởng thăng cấp.
Trịnh Sâm khen và nhận lời của Nguyễn Thục, bèn hạ lệnh tước bỏ hết
cấp bậc mới thăng thêm cho (Dương) Trọng Khiêm, chỉ cho khôi phục
chức cũ, đồng thời, (Trịnh Sâm) thưởng cho Nguyễn Thục ba chục lạng
bạc”.
Lời bàn
Viết đến đây, các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục
đã hạ bút phê rằng: “Họ Trịnh không giữ đạo làm tôi, cho nên trong nhà, bố
con và anh em thường mưu hại lẫn nhau như vậy. Mình không ngay thẳng
lại bắt người phải ngay thẳng, việc này không dễ đâu”. Lời nghiêm phê ấy
quả là chí lí. Xem ra, cuộc nồi da nấu thịt của họ Trịnh nào phải chỉ có một
lần này đâu.