43. Thương thay, Tôn Thất Văn!
Tôn Thất Văn là người có công nuôi dưỡng chúa Nguyễn Phúc Thuần từ
lúc chúa còn tấm bé, và khi Nguyễn Phúc Thuần lên nối nghiệp chúa (năm
1765, tức năm mới 12 tuổi), Tôn Thất Văn cũng là người có công rất lớn
trong việc phò tá. Nhưng, con người quyền cao chức trọng ấy, tiếc thay, lại
bị vu oan và bị giết hại vào năm Quý Tị (1773). Vụ án này được sách Đại
Nam thực lục (Tiền biên, quyển 11) ghi lại như sau:
“Mùa hạ, tháng 6 (năm 1773 – ND), Trương Phúc Loan giết Chưởng cơ
Tôn Thất Văn. Lúc ấy, tôn thất và đại thần nhiều người rất oán ghét Loan,
muốn tìm cách hãm hại, họ mật bàn với nhau, sai quan Hàn lâm là Ngô
Đình Thứ và quan Tri phủ là Trần Giai; lấy trộm ấn của Loan rồi giả mạo
Loan mà viết bức thư thông đồng với ngụy Nhạc (tức Nguyễn Nhạc, lãnh tụ
của phong trào Tây Sơn – ND), đem bỏ ngoài đường. Quan giữ chức Tham
mưu là Tá (không rõ họ) bắt được thư ấy, liền trình cho (Tôn Thất) Văn.
Văn nói với chúa rằng xin trị tội Loan. Loan cãi lại, nói việc đó chẳng qua
là do vu oan, và Chúa cũng không bắt tội Loan nữa. Loan ngỡ thư này do
Tá làm ra, bèn bắt giam rồi giết, và cũng vì thế mà sinh ra thù oán đối với
(Tôn Thất) Văn. Hắn giả mạo bức thư của giặc (đây chỉ quân Tây Sơn –
ND), nội dung tỏ rõ (Tôn Thất) Văn thông mưu với giặc, xong, hắn lại sai
người tố cáo (Tôn Thất) Văn làm phản, truy xét để nghiêm trị rất gấp. (Tôn
Thất) Văn sợ quá mà bỏ trốn. Loan sai chức Cai đội là Tôn Thất Hương
đuổi theo, bắt được, đem dìm chết ở phá Tam Giang
“.
Lời bàn
Cả phủ chúa cùng căm ghét Trương Phúc Loan, trong tay lại có đủ cả
phương tiện và lực lượng, vậy mà rốt cuộc chỉ nghĩ ra được mỗi một trò
mạo thư để vu oan, đúng là trẻ con hơn cả trẻ con. Trương Phúc Loan thật
tàn bạo, tham lam, tự chuyên tự quyền ban phúc giáng họa … nghĩa là tệ
hại vô cùng, nhưng đám quần thần kém cỏi kia, xem ra cũng chẳng được
tích sự gì, ngoài việc hưởng lộc và ra vô cho phủ chúa có vẻ đông đúc. Với
dân, họ chỉ là kẻ … đỡ tệ hơn Trương Phúc Loan mà thôi.