08. Lập Bạo đã bị giết như thế nào?
Lập Bạo là tên, còn họ là gì thì chưa rõ. Sinh thời, Lập Bạo từng được
Nam triều phong tới tước Quận Công, vì thế, sử vẫn thường chép là Lập
Quận Công. Năm 1570, khi thấy Trịnh Kiểm mất, hai anh em Trịnh Cối và
Trịnh Tùng đánh nhau để giành quyền bính, tình thế Nam triều rất phức tạp,
Lập Bạo bèn về đầu hàng Bắc triều. Bởi bản quán của Lập Bạo là vùng Bắc
Bố Chính (nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình – ND), cho nên,
nhà Mạc liền sai Lập Bạo dẫn quân Bắc triều vào đánh phá vùng này.
Chuyến này, Lập Bạo ra đi để rồi không bao giờ trở về được nữa. Sách Đại
Nam thực lục (Tiền biên, quyển 1) chép chuyện Lập Bạo như sau:
“Mùa thu, tháng 7 (năm 1572 – ND), tướng Mạc là Lập Bạo (không rõ
họ, tự xưng là Quận công) người châu Bắc Bố Chính, đem hơn 60 chiến
thuyền, vượt biển vào cướp phá. Chúng đóng trại từ Hồ Xá
đến đền
Thanh Tương
(xã Lãng Uyển), thế rất mạnh. Chúa (đây chỉ Nguyễn
Hoàng – ND) đem quân chống giữ ở sông Ái Tử
. Đêm đang ngủ, Chúa
bỗng nghe từ giữa sông có tiếng kêu trảo trảo, cho là điềm lạ, liền khấn
rằng: -Thần sông nếu có linh thiêng thì xin hãy giúp ta đánh giặc.
Đêm ấy, Chúa nằm mơ thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm một
cái quạt the, đến trước mặt mà nói rằng: -Minh công muốn trừ được giặc thì
nên dùng mĩ kế để dụ giặc đến bãi cát, thiếp sẽ giúp sức cho.
Tỉnh dậy, Chúa nghĩ rằng, người đàn bà trong mộng khuyên ta nên dùng
mĩ kế, vậy phải chăng mĩ kế chính là mĩ nhân kế? Bấy giờ, trong đám thị tì
của Chúa có nàng Ngô Thị (tên là Ngọc Lâm, lại có tên gọi khác là Trà,
người làng Thế Lại) đã có nhan sắc đẹp lại có tài biện bác. Chúa liền sai
nàng đem vàng lụa đi dụ Lập Bạo tới chỗ khúc sông có tiếng kêu trảo trảo
để giết hắn.
Ngô Thị đến trại Lập Bạo, nói: -Chúa công thiếp nghe tin tướng quân từ
xa mới đến, liền vội sai thiếp mang chút quà mọn tới để xin giảng hòa,
không đánh nhau nữa.