Ngũ Quý (907 – 959), trôi dạt sang Việt Nam, làm quan và lập ấp ở làng
Bèo Đột phủ Diễn Châu (nay thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Đến
đời Hồ Liêm những người họ Hồ dời qua làng Đại Lai thuộc tỉnh Thanh
Hóa. Quý Ly làm con nuôi Lê Huấn vì vậy đổi họ là Lê Quý Ly. Như vậy
đến nay chưa tìm được một căn cứ nào rõ rệt để hiểu biết sự di truyền về
sinh lý của dòng máu đã kết tinh thành những đức tính lỗi lạc và cương
quyết của nhà chính trị đó. Quý Ly sau này chiếm được ngôi của nhà Trần
lấy lại họ cũ (Hồ), đổi tên nước là Đại Ngu tuyên bố rằng họ Hồ thuộc dòng
dõi vua Nghiêu Thuấn ngày xưa.
Quý Ly có là người Tàu hay không, ta không cần biết, nhưng điều rõ rệt
là Quý Ly đáng kể là một nhân vật lịch sử không tầm thường.
Lại xét các người chung quanh Quý Ly bên nội cũng như bên ngoại đều
rất thông minh, xuất chúng. Tỉ dụ Gia Từ Hoàng Hậu (em họ Quý Ly, vợ
vua Duệ Tông. Sử chép: Vua Duệ Tông đi đánh Chiêm không trở về, bà gọt
đầu đi tu. Vua Nghệ Tông lập con bà lên ngôi (Đế Nghiễn) Bà cố xin bãi
việc này không được, sụt sùi khóc nói với những người xung quanh: “Con
ta ít phúc không gánh nổi việc lớn lại đến mang họa vào mình mà thôi. Tiên
quan ta xa vắng cõi trần, ta chỉ muốn chết theo, nữa là phải ở lại nhìn con
mình lâm vào cảnh bi thảm…”Quả nhiên sau này Đế Nghiễn bị hại. [4]
Sách Nam Ông Mộng Lục của Lê Trừng (tức là Hồ Nguyên Trừng con
cả Hồ Quý Ly) in trong tập Hàm Phân Lâu Bí Cấp xuất bản ở bên Tàu chép
bà tổ Hồ Quý Ly là con Nguyên Thánh Huấn, một nhà văn học trứ danh
dưới đời Trần Thánh Tông và Nhân Tông. Tháng chạp năm Bão Phũ thứ hai
(1274), Nguyên Thánh Huấn được cùng Nguyễn Sĩ Cố làm Nội Thị Học Sĩ
đọc sách với thái tử Khâm (tức Nhân Tông) dưới quyền phụ giáo của thiếu
sứ Lê Phụ Trần, sau làm đến chức Trung Thư Thị Lang nổi tiếng văn thơ,
được người đời bấy giờ gọi là Nam Phương Thi Tổ. Quý Ly lại có hai cô
lấy vua Minh Tông là con gái của quan Thái Y Phán Phạm Công Bân rất
giỏi nghề thuốc và công minh chính trực.