mưu hãm công thần làm lung lay xã tắc nên giáng xuống làm Minh Đức
Đại Vương. Mà nước nhà không thể không vua, vậy nước Chiêu Định
Vương Ngang nối mối lớn. Bá cáo trong ngoài đều cho nghe biết”.
Lúc giải Đế Nghiễn đi, bọn Nguyễn Khoái, Lê Lạc và đồng bọn muốn
đem quân vào cướp vua, nhưng Đế Nghiễn viết hai chữ “giải giáp” và
khuyên mọi người đừng trái mệnh Thượng Hoàng. Một lúc sau Đế Nghiễn
bị đem xuống phủ Thái Đường thắt cổ chết. Bọn Nguyễn Khoái bị đày ra
ngoài biên ải.
Ngoài ra những kẻ dự cuộc âm mưu, nhất là các tôn thấy như Trần
Nguyên Diệu (em ruột Đế Nghiễn), Trần Nguyên Đĩnh (con anh ruột của
Nghệ Tông là Cung Tĩnh Vương Trác) và Thiếu Bảo Trần Tông (Nguyên
viện trưởng Lạc Kha thư viện ở cung Bảo Hà trên núi Phật Tích Bắc Ninh)
đều bỏ chạy qua Chiêm Thành rồi đem quân về đánh lại. Tại Hoàng Giang
bọn này bị Trần Khát Chân đánh bại. Nguyên Diệu bị giết, Nguyên Đĩnh,
Trần Tông bị Quý Ly hạ lệnh bắt, liền đâm đầu xuống bể, còn dư đảng là
Trần Thiêm Bình chạy qua Lào (Luang Prabang) sau này dẫn đường cho
quân Minh sang chinh phục nước ta.
Còn một nhân vật trong phe phản động khó diệt trừ hơn cả là Thúc Ngạc
bởi Thúc Ngạc là con vua Nghệ Tông. Quý Ly phải áp dụng một phương
pháp khéo léo hơn. Trước khi Đế Nghiễn bị bỏ, Quý Ly vờ nói xin đề nghị
Thúc Ngạc lên thay. Thúc Ngạc không nhận, nhân đó Quý Ly tâu với Nghệ
Tông:
- Quan Thái Úy (tức Thúc Ngạc) từ ngôi vua là người có đức lớn xin gia
phong cho xứng.
Nghệ Tông liền phong cho Thúc Ngạc làm Trang Định Vương. Ngạc
nghe chuyện, biết quỷ kế của Quý Ly lấy làm sợ hãi. Quỷ kế đó là nâng cao
kẻ địch để tỏ sự công bằng vì quyền lợi quốc gia rồi sau này sẽ hạch tội sẽ
không có vẻ là vì tư thù. Quả vậy sau này Ngạc bị Quý Ly dèm pha luôn,