Vào 1753, Prolias-Leroux đề nghị mở một cửa hàng tại đảo Côn Lôn.
Nhưng vì cuộc chiến tranh “Thất Niên” đem lại sự thất bại cho Pháp tại Ấn
Độ nên công ty này bị tan rã (1769) khiến dự định trên không được thành
tựu. Vào cuối đời Louis XV, chương trình thiết lập cơ sở tại Việt Nam lại
được đem ra nghiên cứu một lần nữa. Sau khi trình bày sự bành trướng và
uy thế của Anh Cát Lợi Á Châu, một người Pháp tên là De Rothé cho biết:
“Cho đến bây giờ chỉ còn Nam Hà nằm ngoài vùng ảnh hưởng của Anh Cát
Lợi; nếu họ quyết định trước ta, thì chẳng bao giờ ta còn có thể đặt chân tới
xứ này được nữa”.
Xem các sự kiện đã kể trên, ta thấy nước Pháp cũng như nhiều nước Âu
Châu đã thèm muốn nước ta rất nhiều và từ lâu chẳng cần phải có việc cáo
tỏ của giám mục Bá Đa Lộc sau này hoặc có việc vua Gia Long khi còn là
chúa Nguyễn Ánh yêu cầu họ mang binh sang nước ta. Việc xâm chiếm
Việt Nam vào đời Tự Đức đối với nước Pháp nếu so với hành động thực
dân của các nước Tây phương khác chỉ là lẽ tự nhên phải xảy ra. Nếu sự
việc này tới muộn là bởi Pháp chưa có hoàn cảnh thuận tiện từ hai thế kỷ
trước mà thôi. Ngoài những thương nhân có ảnh hưởng đến thời cuộc Á
Đông, phải kể cả một số giáo sĩ nữa, vì họ đã hoạt động không riêng gì cho
tôn giáo.
2 – Đạo Thiên Chúa
Xưa kia Âu Châu là một nơi có nhiều tôn giáo khác nhau. Dân tộc nào
cũng có thần thánh riêng để thờ phụng, lấy các hiện tượng trong trời đất để
tưởng tượng ra các thánh thần rồi các đền đài vĩ đại để cúng vái. Dân Hy
Lạp, La Mã thờ thần Jupiter (Thái Dương), thần Apollo (thần ÁnhSáng).
Riêng Do Thái thờ Jéhovah ở Jérusalem, tin rằng vị thần này sinh ra loài
người và muôn vật trong vũ trụ. Khi La Mã làm chủ được cả đất Tiểu Á-Tê-
Á và Tây Âu, đạo Do Thái trở nên suy tàn. Lúc này chúa Gia Tô[1] ra đời
lập ra thuyết trong trời đất chỉ có Thượng Đế là cao siêu, là vĩ đại, là nhân
từ hơn cả. Thượng Đế đây tức là Chúa Trời có ba ngôi: ngôi thứ nhất là