xây dựng một chiến khu với mục đích bên trong tiếp ứng cho Quảng Bình,
Quảng Trị, phía ngoài liên lạc với các miền thượng du Thanh Nghệ và có
đường rút sang Lào và Xiêm. Quân đội đóng ở đây có hơn một ngàn với
hơn 20 cỗ đại bác. Chiến khu này xét ra là con đường lùi của kháng chiến
một khi cuộc đánh úp đồn Mang Cá bị thất bại.
Vua Kiến Phúc ở ngôi được hơn 6 tháng và mất ngày mồng 7 tháng 4
năm Giáp Thân (1884) trong một trường hợp vô cùng thê thảm như trên đã
kể. Em Ngài là vua Hàm Nghi lên thay, tức là Chánh Mông, húy là Ưng
Lịch khi đó mới 12 tuổi. Để đánh dấu những biến cố trên đây, sĩ phu Việt
nam đã có hai câu thơ:
Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triều bất tường[1]
Khâm sứ Rheinart trách cứ rằng việc đặt vua Hàm Nghi lên ngôi không
có xin phép nước Pháp và đại tá Guerrier đem 600 quân cùng một đội pháp
binh từ Bắc vào Huế để thị uy. Sau đó Rheinart và Guerrier sang làm lễ
phong vương cho vua Hàm Nghi rồi mới rút binh sĩ về Hà Nội.
Xét tình hình có thể rối loạn to về phía phong kiến Việt Nam, sau khi
hòa ước Thiên Tân ký vào ngày 27-4-1885 tức là năm Quang Tự thứ 11 (Ất
Dậu) giữa Patenôtre đại diện Pháp và Lý Hồng Chương đại diện Thanh
triều, Pháp liền dốc toàn lực để tiêu diệt cuộc kháng chiến của Cần Vương
mà thái độ giờ phút đó rất khả nghi và quan ngại. Ngày 18 tháng 4 năm Ất
Dậu (1885), thống tướng De Courcy vừa sang tới Bắc Kỳ liền đem ngót
một ngàn quân vào Huế bàn việc giao thiệp giữa ông với Nam triều, đòi các
quan phụ chính đại thần phải sang tận sứ quán Pháp để hội thương. Viên
tướng Pháp còn bắt Nam triều ra lệnh cho sĩ phu và dân chúng tòng phục
hoàn toàn chính thể bảo hộ. Y lại có ý nhân dịp này bắt ông Tôn Thất
Thuyết ngay giữa cuộc đàm phán vì ông này là linh hồn của kháng chiến.