Thuở ra đi Ngài là một thanh niên tráng kiện, với vẻ mặt phương phi, lộ
khí phách anh hùng, ngày trở về Ngài đã là một cụ già lưng còng tóc bạc.
Về nước, vua Thành Thái phải chịu một điều kiện là chỉ ở miền Nam
thôi. Sáu năm sau, cựu hoàng yêu cầu nhà cầm quyền Pháp cho Ngài trở lại
Huế một thời gian ngắn để thăm viếng mộ phần các tiền đế, lời yêu cầu
được chấp thuận.
Sau cuộc thăm viếng này, vào ngày 24 tháng 3 năm 1953, Ngài lại từ giả
sông Hương, núi Ngự trở về tư thất ở Sài Gòn đường Lucien Mossard.
Đúng một năm sau, cũng ngày 24 tháng 3 năm 1954, cựu hoàng Thành Thái
lại trở lại cố đô Huế, nhưng lần này, Ngài chỉ còn là cái xác nằm gọn trong
chiếc quan tài, để bao thương tiếc cho quốc dân.
4 – Vua Duy Tân
Lên thay vua Thành Thái bị người Pháp truất phế là hoàng tử Vĩnh San
bấy giờ mới lên 8 tuổi lấy hiệu là Duy Tan. Vì Ngài non nớt, có một hội
đồng phụ trách được đặt ra để điều khiển mọi việc trong triều. Vai trò quan
trọng nhất khi đó tại Huế là Trương Như Cương, một phần tử được người
Pháp rất tin dùng.
Lớn lên, vua Duy Tân tỏ ra là một thanh niên tuấn tú, hiên ngang, lỗi lạc
và cũng như vua cha, có ý bài Pháp. Tất nhiên rằng lúc đó đã có người bí
mật liên lạc với Ngài để trình bày nông nổi vua cha bị người Pháp áp bức,
triều thần phản bội và sự khổ nhục của quốc dân từ ngày mất nước, do đó
mà tâm trạng của Ngài bị kích thích, rồi Ngài hay đòi ra ngoài, lấy cớ chốn
cung điện quá tù túng. Người Pháp cho làm nhà thừa lương ngoài cửa Tùng
(Quảng Trị) để Ngài ra nghỉ mát và tiêu khiển. Thực ra, Ngài ra ngoài để
xem xét dân tình và để bắt liên lạc với nhân sĩ trong nước. Ngài đã gặp
Khóa Bảo là một nhân vật cách mạng và một số nhân sĩ ái quốc tại địa
phương này.