sửa lại cái hàng rào rất đơn giản, dễ làm. Cô mong chúng tôi đừng nóng
lòng nếu thời gian hoàn thành có thể chậm vì công việc chỉ được tiến
hành trong hai ngày nghỉ cuối tuần.
Nghe Loretta nói tóm lược về cách làm của cô và Helen, vợ tôi
khuyên hai người “phải cẩn trọng, giữ sức khỏe, đừng để bệnh mà khổ
cho cả hai”. Tôi thì nịnh đầm một câu: “Đóng đinh, coi chừng búa đánh
dập bốn bàn tay đẹp, không có người khóc thế” khiến Loretta phì cười,
xòe bàn tay ra nhìn rồi lắc đầu nói: “To quá, bàn tay Helen mới đúng
với lời khen của ông Nguyên”.
Vài ngày sau, Loretta đi mua sắm dụng cụ và vật liệu. Mỗi buổi
chiều sau khi tan sở, chiếc xe nhỏ cô lái đi làm chở về một ít. Khi thì
cưa máy, máy bắn đinh, búa, xẻng để đào đất, khi thì những bao xi
măng nhỏ đã pha trộn sẵn, những cây gỗ dài để làm trụ mới. Loretta cởi
chiếc áo trắng bác sĩ rồi tự mình khiêng vác tất cả dụng cụ, vật liệu vào
sân sau.
Sáng thứ bảy, Loretta và Helen, chân đi giày bốt an toàn, tay mang
găng, đầu đội nón che nắng bắt đầu công việc hạ hàng rào cũ, lựa chọn,
sắp xếp riêng các thanh gỗ còn dùng được, di chuyển các thứ gỗ phế
thải ra sân trước để chở đến khu đổ rác. Đây là phần việc nặng nề nhất
mà Loretta làm gần như hầu hết.
Buổi chiều khi thấy hai người nghỉ việc, Hoàng Thanh, vợ tôi
chiên chả giò và thịt gà đem cho. Loretta và Helen rất vui. Loretta
thành thật nói: “Ở bên cạnh nhà bà, thỉnh thoảng ngửi mùi thơm thức
ăn Việt Nam bà nấu, Helen và tôi cứ hít hít hoài. Tôi nghe người ta nói
đến ‘Fo’ rất ngon của Việt Nam”. Hoàng Thanh gật đầu cười “Món đó
là phở, có dịp tôi sẽ nấu mời hai cô.”
Sáng sớm ngày thứ bảy tuần kế, hai người dựng một mái che bằng
vải nhựa để làm nơi kéo cưa vì hôm đó thời tiết nóng trên 100 độ F.
Suốt cả ngày, Loretta căng thước dây, đo đạc, ngắm nghía, đào lỗ dựng
cột cho ngay hàng.