nhỏ: “Cám ơn cháu, bác khỏe”. Chẳng phải tôi lí nhí vì mắc cỡ chuyện
một ông già xách giỏ đi chợ mua thức ăn mà vì lần đầu tiên được một
cô cashier không chỉ chào mà còn hỏi thăm “bác có khỏe không”. Dù
biết rằng đây chỉ là một câu chào hỏi xã giao thông thường, nhưng với
tôi thì quý, cái gì hiếm thì quý. Tôi lại huýt sảo bản nhạc Cầu Sông
Quay. Ngồi vào xe, tôi mở tờ biên lai, có tên cô bán hàng, ghi vội ngày
giờ trúng số “an ủi”: 7 giờ ngày 16/5/2012.
Thực ra thì các bà các cô thâu ngân viên của chợ này tương đối
nhã nhặn và vui vẻ. Ước chi mỗi chợ ở Little Saigon này quý bà “tính
tiền” có được nụ cười hiền, hay ít nhất cũng là “hi” thì đẹp biết mấy.
Không bao giờ có người phụ nữ xấu, chỉ tự mình không biết làm đẹp,
nụ cười phụ nữ là đẹp nhất trên đời, đổ nước nghiêng thành cũng vì nụ
cười mím chi.
Đi chợ rồi, mời quý độc giả ghé thăm một nhà hàng ăn xem sao.
Thú thật là tôi rất ít đi ăn ở nhà hàng nên không biết nhiều về cung cách
tiếp đãi thực khách ra sao, nhưng vừa rồi có người bạn phương xa về
chơi và rủ đi ăn bún chả cá ở Nhà Hàng Số 1 trên đường Bolsa, (gần
bún chả Hà Nội), các tiếp viên lễ phép nhưng sao tô bún cá của tôi có
miếng bí đỏ? Hơi lạ và vì tôi bị “dị ứng” với bí này nên hỏi cháu
waiter, cháu ú ớ và biến mất. Chưa đầy một phút sau bà chủ nhà hàng
từ trong bếp đến chào và giải thích bún cá Nha Trang thì thêm bí đỏ và
nhỏ nhẹ:
- Nếu bác không thích bí đỏ thì tôi xin đổi tô khác cho bác nhá.
Không cần biết “đổi” thì có tính thêm tiền hay free, nhưng nghe
được lời nhẹ nhàng của bà chủ nhà hàng thì dẫu khó tánh đến đâu cũng
phải mềm lòng và rồi tôi cũng cám ơn lại và ăn tô bún cá có bí đỏ lần
đầu tiên sao mà ngon thế. Thức ăn không ngon mà nhân viên nhà hàng
lịch sự là ngon. Bà chủ nhà hàng lịch sự lại đẹp nữa thì thực khách
đông là chuyện dĩ nhiên, nhưng hạnh phúc nhất thì “dĩ nhiên” là ông
chủ, chắc ông phải tu thân chứ không phải tu chai.