- Con lên coi tụi nhỏ dậy chưa? Bồng con Uyên xuống đây cho má
thay tã.
Phượng nhìn mẹ thương xót, Uyên đã chín tuổi rồi, mà sáng nào
bà cũng đòi bồng đi thay tã, trí nhớ của bà dừng lại ở ngày ông vĩnh
viễn ra đi. Phượng ôm vai mẹ đi vô trong nhà, nàng bật tivi lên rồi nói:
- Chắc cháu Uyên còn ngủ. Má ngồi đây coi chương trình truyền
hình Việt Nam, đừng xuống bếp nữa nghe má? Để con lên lầu coi tụi
nhỏ ra sao.
Bà Trình gật đầu, vơ lấy cuộn len và cái áo đan dở lên ngắm
nghía:
- Được, con đi đi! Má vừa coi tivi vừa đan nốt cái áo cho ba. Mùa
đông sắp tới, ba cần có áo ấm, mà mấy cái kia đã cũ cả rồi.
Tánh bà tham công tiếc việc, chẳng muốn ở không, bà coi việc
chăm lo miếng ngon, áo ấm cho chồng, cho con, cháu là bổn phận và
cũng là một thú vui của bà. Ông mất đã tám năm, mà ngày nào bà cũng
đan áo cho ông, đan gần xong, rồi lại tháo ra đan lại, như vậy cả mấy
chục lần.
Phượng lên lầu, vào buồng mẹ, kiểm soát lại một lần chót cái va li
lát nữa sẽ đem theo. Va li đựng toàn quần áo và những vật dụng cá
nhân của bà Trình. Khi biết chắc không còn quên món gì, Phượng đóng
nắp lại, ngồi thừ người rất lâu. Lúc soạn cái va li này, nàng đã không
cầm được nước mắt, mỗi món đồ của mẹ đều gợi lại những kỷ niệm.
Nhìn chiếc ghế đu mẹ vẫn thường ngồi, Phượng tưởng như được nghe
tiếng ru của mẹ. Trên cái ghế ấy, bà đã ru cháu, lúc còn bé thơ, Thái và
Uyên không chịu ngủ nếu không có tiếng ru của bà. Ngày xưa, cũng
những tiếng ru “ầu ơ, ví dầu” đó đã đưa Phượng vào giấc ngủ êm đềm,
bây giờ thì đến các cháu...
Những buổi sáng tinh mơ, khi các con cháu còn nằm trong chăn
ấm, bà đã thức dậy, lui cui nấu nướng, lo bữa sáng ngon lành cho cả
nhà. Những buổi tối mùa đông rét mướt, bà thức rất khuya, ngồi bên lò
sưởi đan áo ấm. Những khi trái nắng, trở trời, bà không quản ngại thức