suốt đêm, trông chừng, dỗ cho cháu ngủ yên giấc... Bà đã nuôi con,
nuôi cháu lớn lên bằng tất cả tình thương của bà. Tình mẹ bao la như
một dòng sông, nước chảy miên man, vô tận. Qua bao nhiêu thăng trầm
của cuộc sống, mẹ lúc nào cũng sát cánh bên đàn con, tận tụy hy sinh,
bảo vệ, che chở, giúp đỡ... Gia đình lúc nào cũng đầm ấm, yên vui, mọi
người quây quần đông đủ dưới một mái nhà, thế mà lúc cuối đời, mẹ lại
phải đơn độc một mình. Ôi chặng đường cuối cùng, bao giờ cũng là
một chặng đường buồn thảm. Phượng rơi nước mắt, nghĩ đến phút chia
tay lát nữa.
Con về mẹ ở lại đây
Chia tay là đứt lìa dây mẫu từ
Ngàn năm biết có bao giờ
Có dòng nước mắt ngược bờ chảy lên?
(Thơ Lê Việt Mai Yên)
Phượng hiểu nỗi cô đơn của mẹ trong những ngày sắp tới, nàng
thấy lòng xót xa, nhưng chẳng còn cách nào khác. Ý định đưa mẹ vô
viện dưỡng lão thật ra đã manh nha có từ lâu, kể từ khi bà Trình có
triệu chứng lú lẫn và có những hành động có thể gây nguy hiểm.
Nhưng Phượng còn nấn ná chưa chịu làm, tại thương mẹ nên không nỡ.
Cho tới mấy tháng gần đây, tình trạng trở nên tồi tệ, khi bà Trình hay
mặc quần áo ngủ đi lang thang ra phố một mình và không biết đường
về, hàng xóm phải đi tìm giùm. Một lần, bà suýt bị đụng xe lúc băng
qua đường, may người tài xế thắng xe lại kịp, bà chỉ bị trầy trụa sơ sài.
Bà mỉm cười ngu ngơ lúc được cảnh sát đưa về, mọi người hỏi bà đi
đâu? Bà nói bà đi đón ông. Tội nghiệp, ngày nào bà cũng đi đón ông,
nhiều lần bà thức dậy từ hai, ba giờ sáng, vô phòng đánh thức mấy đứa
cháu, biểu sửa soạn đi đón ông ngoại. Từ đó, sợ các con mất ngủ, mỗi
buổi tối, sau khi đưa mẹ vô phòng riêng, Phượng phải khóa cửa lại. Có
đêm nàng nghe tiếng đập cửa thình thình, mẹ đòi mở cửa cho bà đi
chợ...