danh sách sáu mươi mốt thi hài của các tử sĩ ở An Lộc mùa hè 1972
vừa được cải táng sau bốn mươi năm.
Đám-trẻ-thơ-ngày-xưa, chúng tôi, năm nay cũng chuyền cho nhau
những tấm hình thuyền nhân vượt biển và những tấm hình trại tỵ nạn.
Những hình ảnh xưa làm dậy lên trong lòng chúng tôi bao cảm xúc.
Nỗi nhớ thương người ở lại mà chỉ có những người đã trải qua mới
thấm thía, những xót xa thân phận bắt đầu cảm thấy trong tâm hồn còn
non trẻ. “Liemsing chiều thê lương, ngồi hứng nước trên giường, những
giọt mưa nước mắt, người tị nạn Đông Dương”. Liemsing, Galang,
Bidong, Battaan, Panat Nikhom... rất nhiều người trong đám chúng tôi
đã đi qua trường đời lớn nhất, học những bài học đẹp đẽ cũng như cay
đắng nhất từ những trại tạm dung này.
Thế là thư qua thư lại, tựa như chưa từng xa nhau. Chúng tôi cùng
ôn lại những tan nát ngày đó...
Đ.H. viết: “Hồi tháng 6/1975, ba tui bị bắt đi ‘cải tạo’, mẹ tui gần
như trở nên điên. Tui nhớ ngày nào đi học về thấy mẹ tui ngồi ở bậc
thềm, đầu tóc bù xù. Hỏi mẹ làm gì, mẹ nói ngồi chờ ba tui. Sau này
mẹ tui nói lúc đó tính tự tử rồi chia bốn chị em tui ra, hai đứa gửi ông
bà nội, hai đứa gửi ông bà ngoại (ngoài Bắc). Cũng may bà giữ lại được
bình tĩnh. Sau này được đọc bài thơ Bà Mẹ Điên của Trần Trung Đạo,
tui thấy giống hình ảnh mẹ tui lúc đó.” “...Tui còn nhớ lúc mẹ tui nhận
lá thư đầu tiên của ông già từ trại cải tạo, khóc quá trời. Tui không dám
khóc trước mặt mẹ và các chị em vì nghĩ mình là con trai duy nhất
trong nhà. Tui ngồi ngoài sân mà mắt cay xè, nhớ bố và thương mẹ, đó
là cảm giác của thằng con nít lúc đó. Tui ngồi một lúc rồi mới dám vô
nhà.”
K. viết: “Ngày 28/4, mẹ K. dắt cả nhà tới cư xá Hải quân (ở gần
trường Trưng Vương, khúc đường sau này mở ra đi qua hãng Ba Son)
để tìm gia đình người bạn tên là D., mong được đi chung. Nhưng lúc đó
người ta tràn vào náo loạn, những người lính kéo kẽm gai rào khu này
lại. Trong không ra được, ngoài không vào được nên đành đi về. Sau
ngày 30/4 mới hay là gia đình D. cũng kẹt lại. Ba của D. là trung tá Hải