quân bị đi tù và chết ngoài Bắc. Ngày đó chuyện đi tù chết là chuyện
xảy ra quá nhiều, giờ ngẫm nghĩ lại những người đi tù và chết chắc
chắn đã trải qua một giai đoạn cực khổ và nhiều khi cả đau đớn khủng
khiếp lắm.”
L.T. viết: “Ngày đó nhà L.T. có dịp đi nhưng ba L.T. nói mình
buôn bán chứ không làm chính trị nên không lên máy bay... Thế là cả
nhà ở lại!
Kể chuyện xưa rồi chúng tôi xem lại những tấm hình trường lớp
trước năm 1975 và tiếc cho một cái gì quá trong sáng đẹp đẽ bị phá nát
một cách quá tàn nhẫn.
Dù sao, suy nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi vẫn còn may mắn. May
mắn vì khi cuộc đổi đời khốc liệt xảy ra thì chúng tôi còn nhỏ. Nghĩa là
chúng tôi còn có chút hy vọng, nghĩa là đường tương lai còn dài. Tuy
đói khổ, tuy xa cha thiếu mẹ, nhưng chúng tôi còn đỡ hơn nhiều người
chung quanh. Chẳng hạn như cô dâu mới cưới hơn một tháng, còn trẻ
như một vuông lụa mới, đi nhận xác chồng. Chẳng hạn như người thiếu
phụ hai mươi sáu tuổi, chồng tử trận, dắt bầy con năm đứa chạy tìm
đường sống. Chẳng hạn như người thương binh mất hai chân, vết
thương chưa lành, bị đám người tiếp thu đuổi ra khỏi y viện...
Vậy mà đã 37 năm.
Hầu hết chúng tôi bây giờ nhiều tuổi hơn cha mẹ ngày đổi đời
năm ấy. Chúng tôi là gạch nối giữa những người lớn ở Việt Nam trước
thời Xã hội Chủ nghĩa và những em bé thời 1975 và cả những đứa bé
sinh ra ở Việt Nam cũng như ở châu Âu, châu Mỹ, và châu Úc sau này.
Chúng tôi học được cái hay của đất nước mới và khắc khoải không biết
làm sao để dùng những điều đã học để giúp cho sự tồn tại của nước
Việt và văn hóa Việt. Chúng tôi loay hoay không biết mình có bi quan
quá hay không khi nghĩ rằng những thành quả cá nhân rực rỡ của người
Việt trên thế giới vẫn chưa đủ để cho thế hệ trẻ tự hào và hăng hái gìn
giữ lịch sử, truyền thống Việt. Chúng tôi ngậm ngùi khi thấy người
Việt, dù có cùng một quá khứ đắng cay, cùng một bài học lịch sử, cùng