- Không sao đâu, lo là lo cho những người già như mẹ, chứ những
đứa trẻ như con chẳng mấy chốc sẽ hiểu và nói tiếng Anh như gió!
Tôi cô đơn và buồn khổ. Ôi, có ai thấu hiểu nỗi buồn của một
thằng bé da vàng, mũi tẹt giữa một đám người không cùng chủng tộc,
không có ai hiểu cho tôi cả dù đó là mẹ tôi. Hạnh phúc của tôi là những
giờ sau buổi học, được về nhà với mẹ và chị ngồi xem phim hoạt hình
trẻ em trên tivi, điều này thì ở xứ sở Mỹ khá hơn bên quê nhà. Trong
lòng tôi nảy sinh một niềm tức tối và một lời nguyền: “Được rồi, tôi sẽ
cố nghe và hiểu cái ngôn ngữ đáng ghét kia cho đến một ngày tôi sẽ nói
thẳng vào mặt những đứa dám khinh khi, đùa cợt trên nỗi đau khổ của
tôi, một đứa con trai khác giống bị mang đến đất nước này”.
Bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn
của một thằng bé cô đơn trên nước Mỹ. Mẹ và cha tôi chia tay nhau khi
đến đây chưa đầy hai tháng, bởi lẽ giữa hai người đã có sự rạn nứt từ
bên Việt Nam. Cha tôi đi về một tiểu bang khác, mẹ đi làm để lo cho tôi
vào lớp hai và chị tôi vào trung học. Sau buổi học, mẹ gởi tôi ở một nhà
quen người Việt Nam và mẹ sẽ đón tôi sau giờ đi làm về. Là một đứa
bé, tôi không có ý niệm về thời gian, chờ mẹ quá lâu nên có nhiều lần
tôi lén trốn về nhà. Cửa đóng im ỉm, có nghĩa là mẹ chưa về. Tôi nhìn
quanh: tuyết ngập trắng xóa khắp nơi, tôi buồn và nhớ mẹ thắt cả ruột
gan. Tôi mở cặp, xé một tờ giấy viết nguệch ngoạc hàng chữ:
- Sao mẹ chưa về?
Tôi dùng băng keo dán tờ giấy lên cánh cửa rồi lén trở lại ngôi nhà
người quen. Mọi người lo coi phim Tàu nên chẳng ai chú ý đến tôi. Tôi
đi về nhà thêm một lần nữa, cánh cửa vẫn đóng kín, tờ giấy có chữ viết
của tôi đã bị gió cuốn đi mất. Tôi xé thêm một trang vở và viết:
- Mẹ ơi, sao mẹ vẫn chưa về?
Tôi dùng thật nhiều băng keo dán tờ giấy vào cánh cửa rồi trở ra
đường. Tuyết vẫn trắng xóa khắp nơi, trời lạnh và buồn chi lạ. Tôi bỗng
gặp anh Thanh là người hay đến nhà để giúp đỡ và chuyện trò với chị
Khánh Phương của tôi, anh ngạc nhiên khi thấy tôi một mình giữa vùng