lên, ăn với xà lách xắt nhuyễn, dưa leo, thịt luộc... có nước mắm chua
nhưng pha từ nước mắm mặn do mẹ tự làm, nên Tony dần sai lạc về cái
gọi là fish sauce ngay trong trí nhớ nhỏ nhoi...
Từ đó, Tony quên luôn món Việt cuối cùng là bánh ướt. Quên
tiếng Việt từ bao giờ thì không nhớ vì đã không thể phiên dịch cho mẹ
khi theo mẹ đi chợ, nhà bank... trong khi mẹ ngày càng khá tiếng Anh
hơn, nên nói tiếng Anh với Tony dễ dàng hơn tiếng Việt. Tony chỉ nhớ,
khi thấy những người châu Á nhếch nhác ngoài đường thì mẹ nói: Họ
là người Việt Nam. Tony không còn muốn nhận mình là người Việt
Nam khi bạn bè Mỹ hỏi mày là người ở đâu? Tony tự cho mình là
người Mỹ vì thức ăn Việt đã bắt đầu có ở chợ nhưng Tony đã không
còn mặn mà.
Năm cuối cùng của bậc trung học, Tony khá cao lớn so với người
Việt dù vẫn nhỏ con hơn bạn bè Mỹ. Nhưng điều làm cho Tony phải về
nguồn lại không phải là chuyện nhỏ con hơn mà chỉ vì Ashley
Alexandra có cảm tình với Tony. Nhưng bọn con trai Mỹ đã tấn công
Tony nhiều lần ngoài sân banh, trong restroom nhà trường để ngăn cấm
quan hệ của Tony với Ashley. Chuyện đến tai Ashley, cô bé dặn Tony
đừng tỏ ra thân thiện ngoài mặt để rắc rối với bọn kỳ thị. Tony không
sợ nhưng cô thế nên bó tay.
Cho đến một buổi chiều tháng mười, chiều hôm Halloween, chiều
của muôn đời. Tony ra khỏi trường vắng hoe, chỉ còn mình Ashley
ngóng đợi. Cô bé đã giới thiệu ông ngoại mình với Tony, là người đàn
ông đã già và hiền lành, người lái cái xe truck to lớn, kéo theo cái
trailer có hai con ngựa bên trong. Cuộc dã ngoại đầu tiên của Tony trên
nước Mỹ, lại được đi cùng Ashley, làm cho Tony yêu mến nước Mỹ
thêm sâu đậm. Tự hứa về nhà sẽ tử tế hơn với mẹ để cảm ơn mẹ cho
phép đi chơi qua đêm lần đầu tiên trong đời Tony.
Ông ngoại Ashley chỉ lái xe ra khỏi Dallas không lâu đã thấy
mênh mông đồng lúa mì, cánh đồng trồng bắp bạt ngàn... và những
cánh rừng tiếp nối về hướng đông nam của thành phố Dallas. Một buổi
chiều se lạnh cuối tháng mười, Ashley nép vào lòng Tony trên băng xe