ba cụ già, nhìn y như cảnh ăn trưa của một nhà trẻ bên Việt Nam. Có cụ
nuốt chậm chạp như bị mắc nghẹn. Có cụ thức ăn vương vãi dính đầy
mặt. Cụ Sáu nhìn những khuôn mặt đồng hương đồng tuổi không còn
cảm xúc mà cụ cám cảnh cho cái cuộc đời khi gió heo may đã về. Cụ
Sáu quá oải khi nghĩ đến một ngày nào đó chính cụ cũng sẽ vào đây,
ngồi đó có người đút thức ăn... Không được, cụ phải “tung cánh chim
tìm về tổ ấm”. Chả là cụ Sáu tuổi Ngọ, phải chạy thôi.
Cụ Sáu gọi các con lại, tuyên bố một câu xanh rờn là cụ muốn khi
trăm tuổi được về nằm cạnh cụ ông ở Thủ Đức, bên cạnh ngôi chùa
Quảng Bình nổi tiếng có phần mộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Sau nhiều tháng hội họp giữa các con cụ Sáu, những thương
lượng, yêu cầu, những bàn cãi... cuối cùng cụ Sáu được toại nguyện.
Cậu Út sẽ lo phần nhà ở cơm nước. Tiền bạc chi tiêu sẽ được con cái
đóng góp gửi về từng tháng. Cái tin cụ Sáu can đảm cắt cái rẹt tiền già
tiền trẻ, thẻ y tế được truyền nhanh trong bạn bè bà con, từ làng trên
Yorba Linda tới xóm dưới Anaheim ai ai cũng tỏ.
Có người cho là cụ Sáu có phước quá cỡ, được về sống những
ngày hạnh phúc bên quê nhà. Có người cho là cụ Sáu gàn dở, không có
cái đất nước nào mà săn sóc cho người già tốt như nước Mỹ, nhưng cụ
Sáu thì cần gì. Cụ ăn uống có bao nhiêu. Miễn cụ được sống những
ngày cuối đời bên cậu Út là cụ mãn nguyện rồi. Nàng dâu Út đề nghị
remodel căn gác lửng có đầy đủ: bồn tắm, vòi sen, nước nóng, nước
lạnh, gạch men Ý, bàn ghế, tivi, máy lạnh rì rào ngày đêm sang trọng
như khách sạn bốn sao rưỡi. Cô dâu Út bảo là để cho cụ có chỗ riêng tư
mà xem phim, tiếp bạn. Chỉ 40 triệu đồng Việt Nam. Quá rẻ. Cụ Sáu
gật đầu lia lịa “ma rốc mốc ra” cho việc remodel.
Khỏi nói là cụ Sáu vô cùng hoan hỉ. Buổi sáng cụ muốn ăn gì cũng
có: bánh cuốn nóng hổi vừa thổi vừa ăn, phở Hiền Vương mở cửa đến
2 giờ khuya, phở gà đồi Hà Nội hấp lá chanh ngon gấp ngàn lần gà đi
bộ 5 dặm một giờ của chợ quận Cam. Cơm trưa cơm chiều quây quần
những con cùng cháu khác hẳn những buổi sáng nhai bánh mì Lee để