2
Chuyện thật bất ngờ là nhóm 4H có đến ba người cùng được bầu vào ban
cán sự lớp. Hạ tiếp tục làm bí thư chi đoàn. Hân làm lớp phó lao động, thay
Toàn. Còn Hằng ? Trung, lớp trưởng năm ngoái, có phần bị anh em mất tin
tưởng vì điều hành lớp quá kém. Khi không ai chịu xung phong làm lớp
trưởng, bỗng thầy Minh gợi ý:
− Hằng làm lớp trưởng được không ? Các em thấy sao ?
Cả lớp ồn ào hẳn lên. Thật không ai ngờ, nhưng… cũng có lý lắm. Hằng
học giỏi, tự tin, lại xinh đẹp. Cô nói các bạn - nhất là các bạn nam - thường
dễ nghe theo. Hằng từ chối nhưng không thoát. Gần như cả lớp cùng nhất
trí với gợi ý của Minh.
Lớp phó học tập không ai khác hơn Long. Ba năm liền, chức vụ này luôn
thuộc về Long. Đó cũng là chàng trai học giỏi nhất trường, niềm tự hào của
cả lớp. Bằng tuổi các bạn, nhưng trông Long có vẻ gì đó “người lớn” hơn.
Có lẽ Long là con trai cả, dưới còn có hai đứa em, và một thời gian dài đã
là “người đàn ông” lớn nhất trong một gia đình có cuộc sống khá chật vật.
Anh học hành rất nghiêm túc và nổi tiếng là người chặt chẽ về giờ giấc.
Những đức tính đó, có lẽ do Long chịu ảnh hưởng từ ba. Ông Phước, ba
Long, là một thiếu tá làm việc ở Bộ Tổng tham mưu quân đội chế độ cũ.
Mặc dù ngày giải phóng Long chỉ mới tám tuổi, nhưng nề nếp sinh hoạt
trong gia đình, anh đã được ba rèn từ nhỏ. Ông Phước ra khỏi nhà là, quân
phục ủi hồ cứng pli, giày da bóng lộn. Mọi thứ trong nhà ông ngăn nắp đến
mức có thể nhắm mắt đi tìm đúng chỗ của từng món. Tám năm đi học tập
cải tạo trở về, dường như ông càng trật tự và ngăn nắp hơn. Một trong
những điều ông thường dạy Long là: muốn làm được việc, phải có nghị lực.
Mà một trong những phương thức để rèn nghị lực, chính là tạo cho mình