− Em dốt thơ lắm, sợ không biết thưởng thức, bị thầy cười. Nhưng thôi,
để em đi với nhỏ Hạ. Nếu thầy còn vé, cho tụi em thêm hai cái...
Minh còn, nhưng từ chối vì biết Hằng sẽ rủ cả ngóm 4H cùng đi. Anh
chịu đựng có thêm một Hạ là đã quá đủ. Là giáo viên dạy Văn, anh biết Hạ
rất giỏi môn này và theo dõi rất sát hoạt động sáng tác văn thơ của thành
phố. Trong lớp, người làm anh cảm thấy thiếu tự tin nhất chính là Hạ. Cô
bé rất kín đáo, nhưng nhiều lần, trong lúc giảng bài, Minh vẫn cảm thấy
nhột nhạt khi bắt gặp ánh mắt Hạ chăm chú nhìn như đang đánh giá trình
độ của anh. Chỉ một lần duy nhất Hạ đứng lên hỏi Minh, sau tiết dạy của
anh về văn học lãng mạn 1930 - 1945:
− Thầy nói văn học lãng mạn có nội dụng bạc nhược, suy đồi và có tính
chất phản động, không chiếm được cảm tình của quần chúng tiến bộ, và đã
bị dư luận lên án nhiều. Nhưng sao em thấy những tác phẩm của nền văn
học ấy vẫn cứ tồn tại bất chấp thời gian ?
Đó là câu hỏi Minh vẫn hằng sợ nhất, mỗi khi giảng đến bài Văn học
lãng mạn. Trong thâm tâm anh, bài giảng khó thuyết phục nhất - cả với
chính anh - cũng là bài này. Những tác phẩm thuộc dòng văn học lãng mạn
30 - 45, dù thế nào đi nữa, vẫn có một sức quyến rũ đặc biệt, và theo anh,
rất khó chê về giá trị văn học. Đó là cả một kho tàng của dân tộc, nhưng
năm nào anh cũng mất mấy tiết đứng trên bục giảng kết tội nó. Kết tội,
nhưng trong đầu anh vẫn thuộc làu làu những bài thơ của Xuân Diệu, Huy
Cận, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh... của thời tiền chiến, và tự thâm tâm anh
luôn phải nhìn nhận những đoạn văn xuôi của nhóm Tự lực văn đoàn, Tiểu
thuyết thứ bảy có tầm cỡ mẫu mực của các bậc thầy trong thời kỳ bình
minh của nền văn học Việt Nam.
Minh nói mà nghe như là ai khác đang nói: