họ. Hân và các bạn bước vào lớp 12, năm cuối của cấp trung học phổ
thông, để rồi chín tháng tới đây, họ sẽ chia tay mỗi người một ngả. Có thể
sẽ còn có những ngày tựu trường khác với kẻ này người nọ nếu được học
tiếp lên đại học, nhưng lúc ấy, làm sao tìm được cái không khí háo hức, rộn
ràng của ngày tựu trường thời trung học xa xưa ? Dường như mọi người
đều đã để lại rất nhiều sự hồn nhiên, vô tư của mình đằng sau hai cánh cổng
trường cấp ba rồi. Mãi mãi.
Hằng đến sau Hân chừng mấy phút. Mới ba tháng mà trông Hằng lạ hẳn.
Mái tóc dài buông ngang vai được làm dáng bằng một cây kẹp hoa màu khá
đắt tiền. Chiếc áo sơmi trắng rộng, ngắn tay, cắt đúng mode. Chiếc quần
xanh đậm, cũng vậy, may rất đẹp, làm tôn hẳn đôi chân thon dài. Hằng và
Hạ không chỉ đẹp nhất trong nhóm 4H mà còn trong cả lớp, và thuộc loại
có tầm cỡ của cả trường. Hằng đi bộ, nhưng dáng rất phong lưu, đài các.
Đúng ra, Hằng luôn đi theo xe con của ba, nhưng vì cô mắc cỡ với bạn bè,
nên ba của Hằng luôn cho tài xế bỏ Hằng xuống từ ngã tư trước. Giám đốc
một công ty lớn trong thành phố, ông Quang, ba Hằng, là người luôn tỏ ra
mạnh dạn trong việc sử dụng những đặc quyền của mình. Ông lập luận
công khai rằng ông là cán bộ có trách nhiệm cao và làm được nhiều việc
quan trọng, thì đương nhiên phải được hưởng những đặc quyền tương
xứng. Ông đi xe con, làm việc trong phòng riêng với đầy đủ tiện nghi cao
cấp, chỉ hút thuốc 555 và uống nước suối Liên Xô…, nhưng nhờ vậy mà
công việc của ông trôi chảy tốt đẹp, có hiệu quả và năng suất cao hơn, thì
không có lý do gì Đảng và Nhà nước, nhân dân lại từ chối với ông những
tiện nghi đó.
Cái lần một tờ báo đăng ảnh một chiếc xe công đến đón con một giám
đốc trước cổng trường rồi bình luận phê phán, ông Quang đọc xong bảo tài
xế đến đón Hằng ngay trước cổng trường, xem thử đứa nào sẽ đăng ảnh
ông cho biết. Ông tức giận nói tại sao người ta cứ ép mình theo những khổ
hạnh hình thức, trong khi làm việc thì hiệu quả chẳng ra gì, còn lãng phí