Trên sân khấu, Đoàn Hùng nghiêng mình, giọng buồn buồn:
− Thơ của tôi, nhất là thơ tình, thật chẳng là gì so với chất tình trong
văn học dân gian chúng ta trong những bài ca dao, những điệu hò, lý... Vì
thế, tôi chỉ dám đọc thơ tình cho một người duy nhất nghe, mà người đó
hiện không có mặt ở đây. Xin các bạn thông cảm cho, tôi chỉ đọc hai bài
thơ viết về cuộc sống của chúng tôi, những người thanh niên xung phong.
Hùng đứng im và nhắm mắt lại, như để tập trung. Mọi người cùng im
lặng chờ đợi. Bài thơ thứ nhất anh kể về cái chết của một cô thanh niên
xung phong ở biên giới Tây Nam. Cô và nhân vật xưng “tôi” trong bài thơ
vốn cùng một đơn vị, từ lâu đã yêu nhau nhưng cũng chưa dám nói. Cái
chết của cô đã để lại trong anh một nỗi đau khôn nguôi. Bài thứ hai, Hùng
viết về những vui buồn sau mười năm ở thanh niên xung phong tự nhìn lại.
Tất cả mọi gian khổ rồi cũng qua đi, cái còn lại chính là những kỷ niệm
được chắt lọc, mãi mãi sẽ theo ta đến hết cuộc đời.
Sau những câu thơ quá trau chuốt và kiểu cách - thậm chí có những chỗ
còn có phần lập dị, siêu thực - của Minh, những vần thơ mộc mạc, chân
thành của Hùng càng trở nên có giá trị hơn. Khán giả vỗ tay nồng nhiệt,
Hằng và Hạ cũng vỗ, mỏi cả tay. Hùng trở thành nhà thơ được hoan nghênh
nhiều nhất từ đầu chương trình đến giờ. Anh cảm động đến lúng túng trên
sân khấu. Còn Minh thì có vẻ khó chịu, mất tự nhiên, Hạ để ý thấy anh đốt
thuốc hút mà tay hơi run run.
Hằng vô tình quay sang Minh:
− Anh Hùng làm thơ hay quá phải khòng thầy ?
Minh phải gật đầu: