- Con lên chào bà ấy đi. Ta đợi con ở đây. Chúng ta sẽ khởi hành trong 10
phút.
Tôi đang phân vân, bỗng câu nói đó làm cho tôi ngã ngửa ra.
Không thấy tôi đi, thầy tôi liền giục:
- Sao. Không nghe thấy gì à? Ngồi đó như bụt thế? Có đi hay không?
Thầy tôi không có tính nói nặng và từ khi tôi ở, thầy tôi không hề mắng tôi
như thế bao giờ!
Tôi liền đứng dậy như cái máy, chẳng hiểu gì.
Nhưng đi được vài bước để lên buồng bà Mỹ-Lưu, tôi quay lại hỏi:
- Vậy thầy đã nói…
- Ta nói rằng con cần cho ta và ta cũng cần cho con. Do đó, ta không thể
nhường con cho bà được. Đi đi rồi lại đây.
Nghe thầy tôi nói thế, tôi hơi vững lòng, vì cái chuyện “con bỏ rơi” cứ ám
ảnh tôi, làm cho tôi tưởng rằng phải đi ngay trong mười phút là vì thầy tôi
đã kể hết gốc tích của tôi.
Bước chân vào phòng bà Mỹ-Lưu, tôi thấy cậu An-Tuyên đang khóc và bà
cúi đầu dỗ dành cậu. An-Tuyên thấy tôi liền hỏi:
- Anh Minh! Có phải anh không đi không?
Bà Mỹ-Lưu trả lời thay tôi, bảo rằng tôi phải theo ý thầy tôi.
Xong bà quay rồi bảo tôi, tôi cảm động rơi lệ:
- Ta đã nói với ông Vỹ-Tiên, cố giữ con ở đây, song ông không chịu. Không
làm thế nào cho ông ta chuyển lòng.
An-Tuyên kêu:
- Con người độc ác.
Bà nói:
- Không phải là người độc ác. Con cần cho ông và xem ra ông cũng thật
tình thương yêu con lắm. Nghe những lời ông nói thì ông không phải là
người thường, một người ở trên cái địa vị hiện thời của ông nhiều. Ông đã
từ chối như thế này: “Tôi yêu đứa bé ấy, nó cũng yêu tôi. Những thử thách
trong đời sống vất vả của nó ở bên cạnh tôi còn có bổ ích nhiều hơn cái
trạng thái nô lệ trá hình mà vô tình bà muốn dắt nó vào. Bà sẽ dạy dỗ nó,
cho nó đi học, thực đấy, bà sẽ tu dưỡng óc nó, thực đấy, nhưng không rèn