nhất định một kế, kế này chắc chắn nhưng hơi hèn, là chẳng nói gì và chẳng
làm gì. Mặc kệ cho việc nó đến. Tôi cam chịu tất vì không có cách gì hơn
nữa. Có lẽ thầy tôi không muốn rời tôi. Lúc đó tôi lại đi theo thầy tôi, như
thế không phải lo bày tỏ sự thật.
Tôi chỉ sợ sự thực vỡ lỡ ra, sợ quá đến nỗi tôi lại cầu mong ông Vỹ-Tiên
bác lời của bà Mỹ-Lưu đi và không thể nào ổn định về việc của tôi được.
Như vậy, dù tôi có phải xa cậu An-Tuyên, xa bà Mỹ-Lưu thực và có lẽ
không bao giờ gặp nhau nữa, nhưng tôi vẫn thích rằng cậu và mẹ cậu sẽ
không giữ một kỷ niệm xấu về tôi.
Viết thư cho Vỹ-Tiên được ba ngày thì bà Mỹ-Lưu nhận được phúc đáp.
Bằng mấy câu vắn tắt, Vỹ-Tiên nói rất hân hạnh nhận được thơ bà và hẹn
thứ bảy tới, ông sẽ đi chuyến tàu hỏa 2 giờ để đến thành Cette.
Tôi xin phép bà Mỹ-Lưu ra ga đón thầy tôi và đem cả ba con chó và Hảo-
Tâm đi theo.
Chúng tôi đợi tàu đến.
Những con chó có vẻ buồn vì hình như nó biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Hảo-
Tâm thản nhiên như thường. Còn tôi, tôi rất xúc động. Những ý kiến tương
phản nổi lên tranh chấp trong đầu óc thơ dại của tôi. Tôi ngồi trong một góc
sân ga, một tay cầm dây ba con chó, một tay ôm con Hảo-Tâm vào ngực.
Tôi ngồi đợi mà mắt tôi chẳng nhìn thấy gì ở chung quanh tôi.
Chính những con chó báo cho tôi biết là tàu đã đến và chúng đã đánh hơi
thấy chủ chúng rồi. Tự nhiên tôi bị lôi đi, rồi vì tôi không để ý nên mấy con
chó tuột xích chạy thẳng. Chúng vừa chạy vừa kêu. Ngay lúc đó, tôi nhìn
thấy chúng nhảy quớ chung quanh ông Vỹ-Tiên trong bộ y phục thường,
vừa hiện ra. Lãnh-Nhi nhanh nhẹn hơn, nhảy vào hai cánh tay ông giơ ra,
Hiệp, Thùy-Nhi quấn quít hai chân ông.
Đến lượt tôi chạy đến. Ông vội đặt Lãnh-Nhi xuống đất, giơ hai tay ôm lấy,
hôn tôi là lần thứ nhất và nói lại nhiều lần:
- Khốn nạn cho con!
Thầy tôi không bao giờ nghiêm khắc và cũng không bao giờ ngọt ngào.
Nên sự biểu lộ chân tình thốt nhiên của thầy tôi đã khiến tôi mủi lòng và
nước mắt tràn ra, vì trái tim đầy tình cảm của tôi dễ khép và dễ mở.