Khi mẹ cậu nói đến việc làm và sách vở, tôi thấy mặt cậu tái đi. Nếu tôi từ
chối, không biết cậu sẽ lo buồn đến thế nào! Tôi thì trái ngược hẳn với cậu,
tôi không sợ sách, những sách không làm cho tôi sợ hãi mà còn hấp dẫn tôi
nữa. Gần đây bà Mỹ-Lưu có trao cho tôi mấy quyển sách. Những sách đó
làm cho tôi rất ham thích. Vì thế, ý bà muốn lưu tôi lại làm cho tôi rất sung
sướng và cảm ơn lòng bao dong của bà. Nếu thầy tôi thuận, tôi sẽ không
phải rời bỏ thuyền Thiên-Nga, rời bỏ đời sống êm đềm và không phải xa
cách cậu An-Tuyên và mẹ cậu.
Bà Mỹ-Lưu nói tiếp:
- Bây giờ tính đến sự đồng ý của ông Vỹ-Tiên. Muốn thế ta phải viết thư
mời ông đến tìm ta ở thành Cette, vì ta không thể lộn lại thành Tu-lu được.
Ta sẽ gửi tiền lộ phí cho ông và cho biết những lý do khiến ta không thể đi
xe hỏa được. Ta mong ông sẽ vui lòng đến. Nếu ông ưng thuận ý định của
ta, ta chỉ còn phải giàn xếp với cha mẹ Lê-Minh là xong vì cũng cần phải
hỏi ý kiến cha mẹ em.
Những lời bà nói làm cho tôi hả dạ vô cùng. Nhưng câu nói sau cùng, đã
làm cho tôi choáng cả người như bị vỡ tan giấc mộng mà trở về với sự thực
đáng buồn.
Hỏi ý kiến cha mẹ tôi tức là ông Bảo-Liên! Chắc chắn ông bà Bảo-Liên sẽ
nói hết những điều mà tôi muốn giấu. Sự thực sẽ nổ tung ra: Tôi là đứa con
bỏ rơi! Xấu lắm!
Lúc đó, cậu An-Tuyên hay bà Mỹ-Lưu sẽ không dung tôi nữa!
Nghĩ thế, tôi tái mặt lại.
Bà Mỹ-Lưu nhìn tôi và hỏi sao thế? Tôi không dám trả lời. Bà tưởng tôi bối
rối về việc thầy tôi sắp về nên không hỏi gặn nữa.
May sao, lúc đó sắp đến giờ ngủ, nên tôi lẩn được đôi mắt tò mò của An-
Tuyên nhìn tôi, mà về phòng ngủ.
Đêm đó, một đêm buồn nhất cho tôi từ ngày xuống thuyền. Tôi trằn trọc, lo
lắng suy nghĩ.
Làm thế nào bây giờ? Nói thế nào bây giờ?
Tôi không tìm được lối thoát. Sau khi đã vần đi vần lại một ý nghĩ đến hàng
trăm lần trong óc, sau khi tìm câu nói xét ra lẩn quẩn giấu đầu hở đuôi, tôi