Khi chúng tôi đã có mặt trong rạp rồi, trống cổ động còn khua lần cuối
cùng trong các phố. Chúng tôi nghe thấy tiếng trống lúc gần lúc xa, tùy
theo vị trí quanh co các phố trong làng.
Sau khi tôi và Lãnh-Nhi đã sắm sửa áo mũ xong, tôi ngồi vào một góc cột
để nhìn các khán giả đến xem.
Không bao lâu, tiếng trống về gần rạp, phụ họa thêm những tiếng ồn ào. Đó
là tiếng cười nói của hơn hai chục đứa trẻ đi theo sau trống đánh dịp chân.
Người phu cổ động đem trống về cửa rạp hai bên có treo đèn lồng và tiếp
tục đánh luôn tay.
Ai muốn xem thì cứ việc vào ngồi để đợi giờ khai mạc.
Nhưng sao mà họ đến chậm thế, mặc dầu những tiếng “tùng tùng” vui vẻ
như giục giã bên tai. Rạp đã có người nhưng toàn là những đứa trẻ tinh
ranh trong phố. Chúng không phải là những người đem lại cho chúng tôi 40
phật-lăng. Vì thế chúng tôi phải đợi những nhân vật quan trọng có túi tiền
đầy và có bàn tay dễ mở.
Sau cùng, trong rạp còn trống, thầy tôi nhất định mở màn vì chúng tôi
không thể đợi lâu sợ thiếu nến.
Tôi phải ra trò trước tiên, vừa đánh đàn vừa hát hai ca khúc ngắn. Cho được
thành thực, tôi phải thú thực rằng hát xong chỉ có một vài tiếng vỗ tay.
Không phải tôi giàu lòng tự ái như các nghệ sĩ khác, nhưng trong trường
hợp này, sự lãnh đạm của khán giả làm tôi buồn lòng. Nếu tôi không làm
cho khán giả thỏa ý thì túi họ không mở. Không phải vì hư danh mà tôi cố
hát, chính vì con Hảo-Tâm đáng thương.
Chán thay! Tôi cố hết sức làm cho họ cảm động, làm cho họ vui cười, làm
cho họ say mê, nhưng tôi càng trông xuống rạp thì tôi càng thấy họ ít chú ý
đến tôi, họ không nhận tôi là thần đồng.
Con Lãnh-Nhi may mắn hơn. Người ta vỗ tay hoan nghênh nó nhiều lần và
hoan nghênh nhiệt liệt.
Cuộc diễn tiếp tục. Nhờ có Lãnh-Nhi buổi hát đã chấm dứt trong những
tiếng hoan hô. Người ta vỗ tay, người ta nện cả chân xuống đất nữa.
Giờ quyết định vận vận mệnh đã đến. Trong khi ông Vỹ-Tiên đánh đàn cho
tôi nhảy điệu Bồ-Đào-Nha trên sân khấu, con Lãnh-Nhi ngậm cái bát gỗ đi