chuyện với thầy tôi. Giá bà cứ cho ngay vào bát có lẽ thú hơn. Tuy nhiên
tôi phải chuyển lời yêu cầu đó đến thầy tôi. Lúc đó Lãnh-Nhi cũng theo
chân tôi. Lần quyên thứ hai, kết quả lại kém lần trước nhiều.
Ông Vỹ-Tiên hỏi tôi:
- Bà ấy muốn gì?
- Nói chuyện với thầy.
- Ta không có gì để nói.
- Bà ta không cho Lãnh-Nhi gì. Có lẽ bà ta định cho.
- Thế thì con Lãnh-Nhi phải đến chứ, ta không phải đến.
Nói thế, nhưng thầy tôi cũng đến, tay dắt con Lãnh-Nhi, tôi cũng theo sau.
Lúc đó, có người nữ tỳ cầm đèn lồng và một cái khăn choàng đến đón bà ta
và cậu bé.
Ông Vỹ-Tiên đến gần và cúi chào nhạt nhẽo.
Bà khách nói:
- Xin ông tha lỗi đã làm phiền ông. Tôi muốn khen ngợi ông.
Ông Vỹ-Tiên lại cúi mình không nói gì.
Bà khách nói tiếp:
- Tôi vốn biết về âm nhạc. Được nghe ông hát, tôi rất cảm phục. Ông thực
là một ca sĩ đại tài.
Một đại tài ở thầy tôi, một người hát rong, một người làm xiếc! Tôi sửng
sốt cả người.
Thầy tôi đáp:
- Đại tài gì đâu, một kẻ già lão như tôi.
Bà khách nói:
- Xin ông đừng cho rằng tôi có ý thóc mách.
- Bà không hiểu tại sao một người diễn trò rong lại hát tạm được như thế,
phải không? Tôi xin nói để bà khỏi lạ.
- Không phải lạ, mà kinh dị!
- Một việc rất thường. Không phải từ trước đến giờ tôi vẫn thế này. Ngày
trước, hồi tôi còn niên thiếu, đã lâu lắm rồi, tôi đã là… phải, đã là một
người đầy tớ của một ca sĩ đại tài. Rồi tôi bắt chước như con vẹt, nhắc đi
nhắc lại một vài bài mà thầy tôi đã hát, có thế thôi.