- Vậy nếu ông ấy về sớm thì em nói có ông Vỹ-Tiên sẽ trở lại trong hai giờ.
- Trong hai giờ, thưa ông vâng.
Tôi định theo thầy tôi ra thì thầy tôi bảo:
- Con ở lại đây nghỉ ngơi, lát nữa thầy sẽ trở lại.
Dù tôi mỏi mệt tôi cũng muốn theo thầy tôi, nhưng khi thầy tôi ra lệnh, bao
giờ tôi cũng phải vâng lời. Tôi ở lại.
Khi không nghe thấy tiếng chân nặng nề của thầy tôi xuống thang nữa, đứa
trẻ ghé tai ra cửa nghe ngóng rồi quay lại hỏi tôi bằng tiếng Ý:
- Anh ở quê lên đấy chứ?
Thầy tôi có dạy tôi ít nhiều tiếng Ý, tuy không nói được nhưng nghe tôi
hiểu. Tôi trả lời bằng tiếng Pháp:
- Không.
Đứa trẻ nhìn tôi một cách buồn rầu rồi nói:
- Nếu anh ở quê lên thì hay quá.
- Quê nào?
- Làng Lục-ca. Nếu anh ở làng đó, tôi sẽ được nhiều tin tức.
- Tôi là người Pháp.
- A! Thế thì may đấy!
- Anh thích người Pháp hơn người Ý?
- Không. Tôi nói “may” không phải là cho tôi, mà cho anh vì nếu anh là
người Ý đến đây tất để ở cho ông Phú-Lợi. Mà đã ở cho ông thầy diễn trò
này thì không bao giờ gọi là “may” được.
Câu này làm cho tôi lo lắng. Tôi hỏi:
- Ông ấy ác lắm sao?
Đứa trẻ không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, nhưng cái nhìn của nó đã là
một lời đáp rất hùng hồn. Rồi như không muốn nói về vấn đề ấy nữa, nó
quay đi và đến chỗ bếp ở đầu nhà.
Những củi bằng thứ gỗ cũ đang bốc cháy trong lò. Một cái nồi lớn bằng
gang đang sôi.
Tôi lại gần bếp để sưởi. Tôi trông thấy cái nồi kỳ quá. Vung nồi một bên có
bản lề, một bên có khóa, khóa vào miệng nồi. Trên vung có gắn một cái
ống nhỏ để dẫn hơi. Tôi vẫn biết không nên trống trải hỏi về chuyện ông