Phú-Lợi, nhưng về cái nồi…
- Tại sao nồi lại có khóa?
- Để cho tôi khỏi ăn vụng. Tôi giữ việc nấu súp mà thầy tôi thì không tin
tôi.
Tôi không thể nhịn cười được.
Đứa bé buồn rầu nói tiếp:
- Anh cười vì anh tưởng tôi có tính tham ăn. Nhưng nếu anh ở địa vị tôi anh
cũng sẽ làm như thế. Tôi không tục ăn, nhưng tôi đói, mùi thơm của súp ở
ống đưa ra làm cho cái đói hành hạ cực khổ.
- Vậy ông Phú-Lợi để anh chết đói à?
- Nếu anh ở đây với ông Phú-Lợi, anh biết người không chết đói nhưng
người ta đau đớn vì đói. Tôi chịu đau đớn đã nhiều vì tôi bị phạt.
- Bị phạt! Nhịn ăn?
- Phải đó. Tôi nói thêm cho anh biết. Nếu ông Phú-Lợi là chủ anh, cái
gương của tôi sẽ có ích cho anh. Ông Phú-Lợi là chú tôi và ông đã làm
phúc đem tôi về nuôi. Mẹ tôi góa, anh có thể đoán được là không giàu có
gì. Năm ngoái chú tôi về quê để mộ tập trẻ con, chú tôi bảo mẹ tôi nên cho
tôi đi. Điều này làm cho mẹ tôi buồn lắm. Nhưng, cảnh huống phải thế, biết
làm thế nào. Nhà tôi có 6 anh em mà tôi là lớn nhất. Chú tôi muốn bắt đứa
em liền tôi là Mã-Đô vì em tôi đẹp trai, còn tôi thì xấu xí. Và muốn kiếm
tiền, không được xấu, những kẻ xấu chỉ được ăn roi và những lời chủ
mắng. Nhưng mẹ tôi không ưng cho em Mã-Đô đi và nói: “Mã-Tư là con
cả, Mã-Tư phải đi. Nếu phải bớt một đứa thì trời đã định thế, tôi không dám
trái lệnh trời”. Thế là tôi phải đi theo chú tôi. Anh tưởng tượng xem nỗi
phân ly của chúng tôi. Mẹ tôi thương con khóc, em Tuyết-Nga cũng khóc
vì nó bé nhất được tôi bế ẵm luôn. Rồi các em tôi, bạn tôi và người quen kẻ
thuộc cũng buồn.
Nghe Mã-Tư tả, tôi lại nhớ lại ngày tôi phải xa lìa quê tôi và cố nhìn theo
cái mũ vải trắng của mẹ nuôi tôi.
Mã-Tư nói tiếp:
- Lúc ra đi chỉ có một mình tôi theo chú tôi thôi, Nhưng tám hôm sau,
chúng tôi thành 12 đứa và được đưa về Ba-Lê. Chao ôi! Đường dài biết là