cả. Người ta cho vì có một đứa con đã mất hay người ta muốn có một đứa
con. Người ta cho vì người ta ấm mà đứa trẻ rét run ở xó đường, đó là lòng
thương. Tôi biết tất cả những loại bố thí đó vì tôi đã có nhiều kinh nghiệm.
À! Hôm nay trời rét quá, phải không anh?
- Rét lắm.
- Vậy anh thử ra ngồi dưới một hiên nhà kia chìa tay xin một ông vận áo
bành-tô bước vội vàng qua mặt anh, anh sẽ bảo tôi biết ông ta cho anh bao
nhiêu; trái lại, anh chìa tay xin một ông ấm áp trong áo ba-đờ-suy hay áo
lông cừu đi tản bộ gần anh, may ra anh được một hào bạc trắng. Sau một
tháng hay sáu tuần lễ tôi theo quy định ăn uống đó, người tôi không còn
béo nữa. Da tôi xanh lướt đi đến nỗi tôi nghe chung quanh có những tiếng
kêu: “Thằng bé này sắp chết đói”.
Lúc bấy giờ, những người trong phố trông thấy cũng thương tình. Hôm nào
tôi không kiếm được nhiều xu, thì tôi lại kiếm được, khi thì mẩu bánh, khi
thì đĩa súp. Những ngày đó là những ngày tươi sáng của tôi. Tôi không phải
đòn và nếu tôi bị bớt phần khoai tôi cũng chẳng cần vì đã có cái gì để ăn.
Không may một hôm Phú-Lợi bắt gặp tôi đang ăn đĩa súp ở nhà bà bán hoa
quả, biết tại sao tôi nhịn được khoai không phàn nàn. Bấy giờ ông ta mới
cấm tôi ra ngoài và bắt ở nhà dọn dẹp và nấu súp. Nhưng cho tôi nấu súp
lại sợ tôi ăn vụng, ông ta mới sáng chế ra cái nồi có khóa. Sáng nào cũng
thế, trước khi ông ta đi, ông ta bỏ thịt và rau vào nồi, đậy nắp và khóa lại.
Tôi chỉ việc ninh rừ và được ngửi mùi nước dùng thôi. Còn như múc ra,
anh cũng biết, không làm sao được vì cái ống hẹp quá. Mùi súp không nuôi
sống người chỉ tổ làm đói thêm. Có phải trông tôi xanh lắm không? Vì tôi
không được ra ngoài, không ai bảo cho tôi biết và ở đây cũng không có
gương soi.
Tôi không có óc kinh nghiệm, nhưng tôi cũng biết không nên bảo thật
người ốm để người ta sợ. Tôi đáp:
- Anh không đến nỗi xanh hơn người khác.
- Anh nói thế để tôi yên tâm, tôi biết, nhưng tôi rất thích xanh xao có nghĩa
là ốm. Tôi muốn ốm lắm anh ạ.
Tôi kinh ngạc nhìn anh. Anh cười và nói: