bao nhiêu! Cũng như tôi, các bạn tôi đều buồn. Sau cùng, tới Ba-Lê, thì chỉ
còn 11 đứa vì một người trong bọn chúng tôi bị ốm ở dọc đường và đưa
vào Nhà Thương Dijon. Đến Ba-Lê người ta chọn chúng tôi ra từng loại:
đứa nào khỏe mạnh thì cho đi ở với những thợ quét lò sưởi hay thợ thông
ống khói bếp, đứa nào không có sức để làm nghề thì đi hát hay đánh đàn
rong ở các phố. Còn tôi, tôi yếu ớt không làm nghề được mà lại xấu người,
đi đánh đàn cũng không ăn thua. Vì thế Phú-Lợi cho tôi hai con chuột bạch
để đi làm trò ở các hè, cùng ngõ và mỗi ngày phải nạp thuế cho ông 30 xu.
Ông bảo tôi: “Thiếu mỗi xu là một roi”. Kiếm tiền đã khổ mà những ngọn
roi còn khổ hơn, nhất là những khi chính tay Phú-Lợi đánh. Tôi hết lòng hết
sức để kiếm đủ số tiền đó, nhưng thường thất bại luôn. Những bạn tôi phần
nhiều hôm nào về cũng đủ tiền. Riêng tôi, tôi chẳng đủ bao giờ. Điều này
làm cho Phú-Lợi tức giận thêm và quát: “Thằng ngu này không hiểu cả
ngày nó làm gì?”. Có một đứa khác cũng đi diễn chuột bạch như tôi bị đánh
thuế 40 xu mà chiều nào về cũng đủ. Nhiều lần tôi theo nó để học mánh
khóe và tôi hiểu tại sao nó kiếm 40 xu dễ dàng mà tôi kiếm 30 xu lại khó.
Khi một ông hay một bà nào cho tiền chúng tôi thì y như bà đó cũng nói:
“Cho thằng bé xinh kia, không cho thằng khỉ”. Thằng khỉ là tôi. Từ đó tôi
không đi chung với bạn tôi nữa, vì chịu 30 roi đòn ở nhà cũng khổ, nhưng
để người ta riễu mình là xấu trước mặt mọi người còn đau khổ hơn. Anh,
anh không thấu được cảnh đó vì không ai bảo anh xấu bao giờ, còn tôi…
Sau cùng, Phú-Lợi thấy dùng roi vọt không hiệu quả liền dùng cách khác
và bảo tôi: “ Mỗi xu mày thiếu ta sẽ bớt một củ khoai bữa tối, da mày dạn
roi rồi, ta xem dạ dày mày phải mềm vì đói không?”. Những lời dọa đối với
anh có hiệu quả không?
Tôi đáp: Còn tùy.
- Tôi thì chịu. Tôi không thể làm hơn được. Chả nhẽ đi chìa tay xin và nói:
“Nếu ông hay bà không bố thí cho tôi một xu, thì bữa tối tôi phải bớt một
củ khoai” à? Người ta cho tiền trẻ con không phải vì những lẽ đó.
- Thế vì lẽ gì? Người ta thường cho để làm vui lòng…
- A! Anh còn ngây thơ quá! Trước hết người ta cho để làm vui lòng cho
chính người ta. Người ta cho bởi vì đứa trẻ xinh đẹp, lý do này đúng hơn