mở cửa.
Nếu chúng tôi đi nhanh thì cũng bớt lạnh, nhưng thầy tôi vừa đi vừa thở
hổn hển như người mới chạy. Tôi hỏi thì thầy tôi không nói gì và sẽ giơ tay
ra hiệu là thầy tôi không nói được.
Từ cánh đồng chúng tôi lần về thành phố, nghĩa là chúng tôi lại phải đi qua
những bức tường cao, bên trên có những ngọn đèn dầu đưa đi đưa lại, kẽo
kẹt.
Bỗng thầy tôi đứng lại, tôi biết thầy tôi đã kiệt sức rồi.
Tôi nói:
- Hay là con gọi cửa một nhà gần đây?
- Thôi. Người ta không mở cửa đâu. Đó là nhà những người làm vườn. Họ
không dậy đêm đâu. Cứ đi đi!
Nhưng thầy tôi ý chí tuy vẫn vững mà hơi sức thì không còn, đi được vài
bước lại đứng. Thầy tôi nói:
- Cho ta nghỉ một chút. Không sao đi được nữa.
Chỗ đó là một hàng rào, bên trong có một đống rơm cao. Gió thổi tung
ngọn đống rơm ra đường và giắt cả vào chân giậu.
Thầy tôi bảo:
- Chúng ta vào kia ngồi!
- Ban nãy thầy bảo nếu ngồi xuống thì bị lạnh rồi không đứng lên được.
Thầy tôi không trả lời; ra hiệu cho tôi nhặt rơm bỏ vào cửa giậu. Rồi thầy
tôi ngồi phịch lên cái ổ đó, răng nghiến lại, thân thể run cầm cập.
Thầy tôi nói không ra tiếng:
- Lấy thêm rơm vào đây xếp cao lên để che cho khỏi gió.
Cho khỏi gió thì đúng chứ che cho khỏi rét thì sao được?
Tôi vội nhặt hết rơm lại, chất cao lên, xong tôi lại ngồi cạnh thầy tôi.
- Con ôm Lãnh-Nhi vào người để lấy chút hơi nóng sang con.
Ông Vỹ-Tiên là một người từng trải biết rằng cái rét như cái rét chúng tôi
đang chịu, có thể chết người được. Vì đường cùng bắt phải giấu mình trong
cơn nguy hiểm ấy, nên ông phải suy mòn.
Ông đã suy mòn thực. Nửa tháng nay ông đã lo nghĩ nhiều, tuổi già sức yếu
lại thêm đói rét, khổ cực vô cùng nên ông đã héo hắt dần đi.