Những ngày chủ nhật đối với tôi còn là “Ngày Vỹ-Tiên” nữa. Tôi đánh đàn,
tôi hát như là khi thầy tôi còn ở bên cạnh tôi. Ông Vỹ-Tiên kính mến! Tôi
càng lớn thì tôi lại càng nhớ đến ông và hiểu biết cái ơn giáo dục của ông
đã dành cho tôi.
Tôi ở trại hoa thấm thoát đã được hai năm rồi. Ông An-Thanh thường đưa
tôi đi chợ, ra bến Tàu, qua Tháp Nước, hay đến nhà những người bán hoa
vẫn giao dịch với chúng tôi, vì thế dần dà tôi biết Ba-Lê và hiểu rằng Ba-Lê
không phải là một thành phố lầu vàng, điện cẩm thạch như ngày còn bé tôi
mơ tưởng, nhưng cũng không phải là một thành phố lội lặm như tôi đã yên
trí khi mới vào những phố ngoại ô.
Tôi được nhìn thấy những lầu đài và được vào thăm một vài nơi. Tôi đi tản
bộ trên bến tàu, trên những đại lộ, trong vườn Lục-Xâm-Bảo và các công
viên khác. Tôi nhìn thấy những tượng đồng, những đài kỷ niệm. Tôi cảm
thán trước những sự hoạt động của quần chúng và tôi đã nhận thức được
thế nào là chốn phồn hoa đô hội.
Cái kiến thức của tôi không phải chỉ thâu thái được bằng mắt hay là do
những cuộc đi chơi ngẫu nhiên qua các phố ở Ba-Lê. Trước khi làm nghề
trồng hoa, ông An-Thanh đã từng làm việc cho sở Ương cây ở vườn Bách-
Thảo. Ở đó, hàng ngày ông giao tiếp với các chuyên viên nên học hỏi được
nhiều. Trong bao nhiêu năm, ông đã dành tiền mua sách, lúc rảnh việc đọc
và học thêm. Đến khi ông lập gia đình rồi có con, thì giờ nhàn hạ cũng ít đi.
Sinh kế cần hơn, nên sách vở phải xếp lại. Tuy nhiên ông không bán hoặc
bỏ mất, ông giữ trong một góc tủ. Mùa đông, năm thứ nhất ở nhà ông, tôi
thấy dài quá vì việc làm vườn không đình hẳn nhưng trì trệ vì thời tiết. Bấy
giờ, để cho có việc trong những buổi chiều ngồi không bên lò sưởi, ông
An-Thanh lấy sách ra và phân phát cho chúng tôi xem. Phần nhiều là sách
Thực vật học, Vạn vật học và một vài quyển Lữ hành ký, An-Sinh và Bằng-
Mai không được hiếu học như cha, tối nào cũng thế, khi cầm quyển sách
chỉ đọc đến trang thứ ba hay thứ tư là mắt nhắm nghiền lại. Tôi ít ngủ và tò
mò hơn, tôi chăm chú đọc rất khuya. Những bài học vỡ lòng của ông Vỹ-
Tiên không đến nỗi uổng, nghĩ thế nên lúc đi ngủ tôi lại cảm nhớ đến thầy
tôi.