Chúng tôi vừa vào buồng thì mọi người đã quây lấy tôi, Lệ-Hoa ôm lấy tôi
mà khóc. Tôi rất cảm động, nghĩ rằng mặc dầu gia đình tan tác, anh em
phải xa lìa nhau, mà họ thương tôi trước nhất, tôi há chẳng phải là người
em hay sao? Tức thì một ý tưởng rọi sáng trong óc rối bời của tôi, đó là một
nguồn linh cảm tự nhiên phát từ trái tim lên óc tôi. Tôi bảo các anh chị:
- Các anh chị ơi! Nếu các cô chú không nhận tôi, các anh chị cứ cho tôi là
con một nhà có được không?
- Có! Có! Minh bao giờ cũng là em chúng tôi!
Lệ-Hoa không nói được, nhấn mạnh câu đó bằng cái bắt tay quá chân thành
khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi nói:
- Tôi sẽ là em anh chị, một đứa em hết lòng. Tôi sẽ chứng minh điều đó.
Bằng-Mai hỏi:
- Thế anh định đi làm đâu?
Yến-Chi nói:
- Có một chỗ làm ở nhà ông Bích-Niên. Anh có muốn tôi hỏi giúp không?
- Tôi không muốn đi làm thuê. Nếu tôi làm thuê ở Ba-Lê, tôi sẽ không bao
giờ được gặp các anh chị và Lệ-Hoa nữa. Tôi sẽ lại khoác mảnh áo da cừu,
tôi sẽ hạ cây đàn mà tôi đã treo ở kia, tôi sẽ đi từ Lan-Thành đến Văn-Xá,
từ Văn-Xá đến Yến-Nam và từ Yến-Nam đến Mộc-Văn. Tôi sẽ lần lượt
thăm hết anh chị Lệ-Hoa. Và do tôi các anh chị và Lệ-Hoa sẽ được liên lạc
với nhau luôn. Tôi còn nhớ các bản “Tình-ca” và vũ khúc. Tôi sẽ mưu sinh
được.
Nét mặt mọi người đều tươi hẳn lên. Và trong cơn phiền muộn, lòng tôi
thấy nhẹ nhàng. Chúng tôi nói chuyện rất lâu, hết chuyện dự định, chuyện
chia tay, đến chuyện tái ngộ, chuyện quá khứ, chuyện tương lai.
Đêm đã khuya, Yến-Chi giục chúng tôi đi ngủ. Nhưng suốt đêm đó chẳng
ai chợp mắt được, nhất là tôi.
Sáng sớm hôm sau, Lệ-Hoa dắt tôi ra vườn, tôi hỏi cô có điều gì muốn nói.
- Cô muốn nói chuyện phải không?
Cô gật đầu.
- Cô buồn vì anh em xa cách. Cô không phải nói, tôi đã thấy rõ ở đôi mắt
cô và tôi đã cảm thấy ở trong lòng tôi.